Chủng Omicron đang lây lan nhanh ở Hà Nội và TP.HCM là biến thể gì?

ngày 09/03/2022

TP.HCM và Hà Nội đều ghi nhận biến thể mới của Omicron với tốc độ lây lan nhanh và dần chiếm ưu thế các ca mắc mới.

Sáng 9/3, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố vừa xét nghiệm tầm soát 109 người mắc COVID-19 thì ghi nhận 103 ca nhiễm biến chủng Omicron. Sau khi giải trình tự gen 67 mẫu, người nhiễm biến thể BA.2 là 43, biến thể BA.1 là 24 người. Như vậy TP.HCM vừa ghi nhận biến thể BA.1 và vừa có cả BA.2 (còn gọi là “Omicron tàng hình”). Điều này lý giải vì sao tốc độ lây lan lại nhanh như vậy trong thời gian qua.

Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện. Trong đó, phiên bản BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron. Biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố mới đây, Bộ Y tế cho biết, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta.

BA.2 cũng đang là biến thể lan mạnh ở các nước trên thế giới, dần chiếm ưu thế trong các ca mắc mới.

BA.2 nguy hiểm thế nào?

Trong 10 ngày đầu tháng 2, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) ghi nhận 400 ca mắc BA.2. Các trường hợp mắc chủng phụ của biến thể Omicron cũng được ghi nhận tại hơn 57 quốc gia, chiếm phần lớn các ca nhiễm mới của một số nước như Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển.

WHO vẫn chưa xếp BA.2 - hay còn gọi là "Omicron tàng hình" vào nhóm biến thể gây lo ngại, nhưng chuyên gia cho cho rằng các nước cần cảnh giác và theo dõi sát sao. (Ảnh: Washington Post)

"Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là sự lây lan nhanh chóng của chủng phụ này, vốn lưu hành ở mức độ rộng rãi tại châu Á nay đã xâm nhập Đan Mạch", nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho hay. WHO vẫn chưa xếp BA.2 - hay còn gọi là "Omicron tàng hình" vào nhóm biến thể gây lo ngại, nhưng ông Flahault cho rằng các nước cần cảnh giác và theo dõi sát sao nó.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 22/2, Trưởng nhóm khoa học WHO, bà Maria Van Kerkhove nêu BA.2 và BA.1 - phiên bản gốc của Omicron gây triệu chứng và nguy cơ nhập viện tương đương nhau.

"Chúng tôi không thấy mức độ nghiêm trọng của BA.2 khác biệt so với BA.1", bà Kerkhove nói. Một nghiên cứu ở Nam Phi gần đây cũng kết luận tương tự. Theo đó, trong 95.470 mẫu bệnh phẩm được gửi tới phòng thí nghiệm quốc gia Nam Phi, 3,6% bệnh nhân nhiễm BA.2 phải nhập viện. Con số này không chênh lệch là bao so với tỷ lệ 3,4% ở những người mắc BA.1. Trong số 3.058 bệnh nhân nhập viện, 30,5% các trường hợp mắc BA.2 phát triển bệnh nặng.

Con số này với các bệnh nhân mắc biến thể Omicron gốc là 33,5%. "Những dữ liệu này cho thấy bất chấp khả năng lây lan nhanh chóng đáng ngại, các triệu chứng mà BA.2 gây ra tương tự biến thể gốc", nhóm nghiên cứu tới từ Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi cho hay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo không thể hoàn toàn áp dụng các thông số ở Nam Phi với các khu vực khác bởi khả năng miễn dịch ở nước này chủ yếu là do miễn dịch sau khi mắc COVID-19 thay vì tiêm chủng.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Một số nước cũng ghi nhận một số trường hợp tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1. Nghiên cứu giữa tháng 2 của các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra rằng BA.2 có khả năng trốn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra. Tuy nhiên, mũi tiêm tăng cường có thể làm giảm 74% nguy cơ chuyển nặng với các trường hợp nhiễm biến thể này.

Phiên bản 'tàng hình' của biến thể Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR. (Nguồn: Getty Images)

Chuyên gia Việt Nam nói gì?

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, biến thể phụ BA.2 cùng với BA.1 chỉ là một nhánh của Omicron. Vì vậy, một số ý kiến đánh giá biến thể này tốc độ lây nhiễm và mức độ nguy hiểm không khác gì so với Omicron, nghĩa là BA.2 lây nhiễm nhanh hơn Delta nhưng lại không gây bệnh nặng.

“Nhiều thông tin cho rằng biến thể BA.2 rất ghê gớm, nguy hiểm, thậm chí một số người nói nó có khả năng “tàng hình”, “lẩn trốn xét nghiệm” hay là vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine nhưng theo tôi thì không có gì đáng lo ngại cả.

Do chỉ là biến thể phụ của Omicron nên sẽ không khác với Omicron. Trước đây với Delta cũng vậy. Nhiều người từng nhắc về Delta Plus rồi sau này không khác gì Delta và giờ gần như mọi người không nhắc gì tới Delta Plus nữa. Còn với BA.2, theo tôi, ngay tại Đan Mạch, đất nước đang ghi nhận rất nhiều ca bệnh nhiễm BA.2 thì họ đã gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và sinh sống bình thường rồi. Vậy thì chúng ta cũng không có gì quá lo với biến thể phụ này”, BS Khanh nói.

Chuyên gia cho rằng biến thể phụ Omicron BA.2 không nguy hiểm. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ông cho rằng biến thể BA.2 này cũng chỉ gây bệnh tương tự như Omicron và BA.1. “Thực tế ban đầu dư luận rất quan tâm về biến thể phụ, mới, nhưng kinh nghiệm cho thấy về sau tất cả các biến thể thậm chí cả Delta các nhà khoa học cũng không phân nhánh là Delta Plus nữa. BA.2 của Omicron cũng giống như Delta Plus, rồi sẽ bị lãng quên”, BS Khanh nhấn mạnh thêm.

Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về dịch tễ thông tin thêm, hiện dữ liệu trên thế giới về biến thể phụ BA.2 của Omicron rất ít nên chưa thể đánh giá cụ thể, chính xác được tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của biến thể này. Hiện mới chỉ có Nhật Bản công bố thông tin ban đầu về BA.2 nhưng cũng chưa thực sự đầy đủ. Muốn đưa ra đánh giá đúng cần thêm thời gian để nghiên cứu. “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa có thông tin cảnh báo gì về biến thể này. Nhưng theo tôi được biết, BA.2 cũng không khác Omicron nhiều”, chuyên gia này nói.

Còn theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện rất khó và còn quá sớm để nhận xét về BA.2. Quá ít bằng chứng về biến thể này và cũng chưa nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra nghiên cứu chính xác. Vì vậy, hiện có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng về biến thể BA.2 như: lây nhiễm nhanh như Omicron nhưng gây bệnh nặng như Delta hoặc biến thể này không khác gì Omicron.

“Đặc biệt, một số ý kiến cũng cho rằng biến thể này còn nhẹ hơn Omicron. Nhưng đây đều là những thông tin chưa được thực sự chính xác. Do vậy, chúng ta cần chờ một thời gian nữa mới có cái nhìn tổng thể về biến thể mới này”, BS Phúc nói.

Dù là biến thể nào thì người dân vẫn cần tuân thủ 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. (Ảnh: VOV)

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, đến nay, các tài liệu cho thấy BA.2 cũng tương tự như Omicron. Theo dõi các bệnh nhân nhiễm BA.2 ở các quốc gia ghi nhận biến thể này cho thấy, tỷ lệ người bệnh bị bệnh nặng không tăng hơn Omicron và tốc độ lây lan cũng không khác gì biến thể chính.

“Nhiều người cứ "thần thánh hóa" về biến thể “tàng hình” và nhấn mạnh về độ nguy hiểm của BA.2. Nhưng qua theo dõi các ca bệnh thì các nhà khoa học không thấy mức độ chuyển nặng tăng hay tốc độ lây nhiễm tăng hơn. Do đó, cũng không có gì đáng quan ngại về biến thể phụ này”, BS Hà nói.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, hoảng loạn. Bởi hiện nay, thế giới vẫn đang nghe ngóng, nghiên cứu thêm về biến thể này. Trong thời điểm hiện nay, người dân nên đọc những thông tin chính thống từ cơ quan chuyên môn, tránh tìm hiểu những thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận. Điều quan trọng nhất là dù biến thể nào thì mọi người vẫn nên tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người và tiêm vaccine đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình.

Nguồn: https://vtc.vn/bien-the-omicron-tang-hinh-lay-nhanh-chua-tung-thay-nguy-hiem-the-nao-ar663016.html