Biến chủng Omicron lây nhanh, số ca nhiễm Covid ở Nam Phi tăng gấp đôi trong một tuần

ngày 09/12/2021

Chỉ riêng trong tuần trước, Nam Phi ghi nhận gần 62.000 ca nhiễm mới, trong đó chủ yếu là biến thể Omicron...

Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine cho người dân tại một khu dân cư ở Johannesburg ngày 8/12/2021 - Ảnh: AFP | Getty Images

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại Nam Phi đã tăng gấp đôi trong tuần qua trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở quốc gia này. Omicron hiện là biến thể Covid-19 chiếm chủ đạo tại Nam Phi.

Cụ thể, theo báo cáo công bố ngày 8/12 của WHO, trong tuần từ ngày 29/11 đến 5/12, số ca nhiễm tại Nam Phi tăng 111% so với tuần trước đó. Chỉ riêng trong tuần trước, nước này ghi nhận gần 62.000 ca nhiễm mới.

Tỷ lệ các xét nghiệm Covid có kết quả dương tính cũng tăng vọt với 22,4%, tăng đáng kể so với tỷ lệ chỉ 1,2% trong tuần đầu của tháng 11.

Tuy nhiên, báo cáo WHO cũng nói rằng chưa biết rõ chính xác nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tại Nam Phi tăng đột biến.

“Có thể số ca nhiễm tăng là do sự lây lan của biến thể Omicron cùng với việc các biện pháp phòng ngừa công cộng được thu hẹp và độ phủ vaccine ngừa Covid-19 thấp tại quốc gia này”, WHO cho biết.

Đến nay, mới có khoảng 25,2% dân số Nam Phi được tiêm vaccine đầy đủ.

Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron đã lan ra 57 quốc quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một báo cáo khác của WHO cũng cho biết, tính tới ngày 1/12, Nam Phi và Botswana, nơi phát hiện Omicron đầu tiên vào tháng trước, chiếm 62% tổng số ca nhiễm biến thể này trên thế giới.

Trong khi đó, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang gấp rút nghiên cứu để xác định khả năng lây nhiễm và độc lực của Omicron. Biến thể này có tới hơn 30 đột biến tại protein gai – phần được dùng để xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Một số đột biến ảnh hưởng tới độc lực của Omicron và làm cho nó có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với các biến thể được phát hiện trước đó, WHO cho biết.

Ngày 8/12, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết các bằng chứng ban đầu từ Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít nguy hiểm hơn so với biến thể Delta nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận điều này. Theo bà, các bệnh nhân ở Nam Phi có triệu chứng bệnh nhẹ hơn nhưng có thể họ chưa trải qua toàn bộ các giai đoạn của bệnh. Bà cũng lưu ý rằng các bằng chứng này chủ yếu đến từ những thông tin sơ bộ chứ chưa phải từ các nghiên cứu toàn diện.

Thận trọng về các kết luận liên quan tới Omicron, nhưng bà Van Kerkhove lưu ý rằng người cao tuổi, người chưa tiêm vaccine và người có bệnh nền là cá nhóm có nguy cơ tiến triển bệnh nặng nếu nhiễm Omicron.

Hiện tại, điều được nhiều người quan tâm là liệu biến thể mới này có làm giảm hiệu quả của vaccine hay không. Theo một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nam Phi, biến thể này làm giảm đáng kể kháng thể được tạo ra từ vaccine của hãng Pfizer và BioNTech đồng phát triển. Tuy nhiên, người từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh và người tiêm mũi vaccine tăng cường có thể được bảo vệ tốt hơn khỏi bị bệnh nặng.

Trong họp báo ngày 8/12, nhà khoa học trưởng của WHO, Soumya Swaminathan, lưu ý vẫn còn quá sớm để kết luận biến thể Omicron làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine. Theo bà, điều cần làm bây giờ là phối hợp nghiên cứu và không đưa ra kết luận dựa trên từng nghiên cứu riêng lẻ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/bien-chung-omicron-lay-nhanh-so-ca-nhiem-covid-o-nam-phi-tang-gap-doi-trong-mot-tuan.htm