6 thói quen nấu nướng 'độc khủng khiếp' và gây ung thư, đáng tiếc nhiều bà nội trợ phạm phải

ngày 18/11/2021

Căn bếp thực chất không an toàn như chúng ta thường nghĩ. Ngoài những tai nạn khi nấu nướng, rủi ro từ vật dụng sắc nhọn, cách nấu ăn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang đến bệnh tật nguy hiểm.

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng đều không ít lần cảnh báo về những thói quen nấu ăn tưởng chừng vụn vặt và vô hại nhưng lại vừa gây hại vừa làm giảm giá trị dinh dưỡng. Trong đó, có 6 thói quen thậm chí giải phóng ra các chất gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư nhưng lại được rất nhiều người làm hàng ngày, đó là:

1. Không mở máy hút mùi

Các món chiên xào là phương pháp nấu ăn yêu thích của người Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á. Dầu ăn tuy có mùi thơm nhưng ở nhiệt độ cao chúng sẽ sinh ra nhiều khói dầu, các chất gây khó chịu có trong khói dầu độc không kém thuốc lá. Nếu các bà nội trợ quên bật máy hút mùi thì số khói độc này sẽ theo không khí vào cơ thể, lâu ngày kích thích lặp đi lặp lại sẽ gây đột biến tế bào.

Sau 5 năm điều tra dịch tễ học về ung thư phổi, Giáo sư Yumin He thuộc Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải phát hiện ra rằng phụ nữ trẻ và trung niên tiếp xúc với khói dầu ở nhiệt độ cao trong nhà bếp trong một thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 2-3 lần.

2. Để dầu sôi đến bốc khói

Một số người có thói quen chiên, rán thực phẩm trong chảo dầu bốc khói với suy nghĩ dầu nóng sẽ làm món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị bốc khói tức là nhiệt độ lúc đó của dầu đã trên 200 độ C.

Nhiệt độ cao không những phá hủy tác dụng chống oxy hóa của dầu và các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide tác nhân gây ung thư. Đặc biệt, nếu nấu thịt trong dầu ăn trên 200 độ C sẽ tạo ra 1 lượng lớn các amin dị vòng hay còn có tên hóa học là Benzopyrene.

6 thói quen nấu nướng gây ung thư nhưng hầu hết các gia đình đều đang làm hàng ngày - Ảnh 1.

Đây là 1 trong những chất nguy hiểm, được WHO cảnh báo là tác nhân gây ung thư mạnh với cơ thể người. Chỉ cần hấp thụ 1 nanogram benzopyrene cũng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người, gây ra ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư gan và ung thư phổi.

Hơn nữa, bản thân khói dầu ăn cũng được WHO xếp hạng vào nhóm chất gây ung thư 2A, là nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.

3. Chiên đi chiên lại đồ ăn trong dầu cũ

Vì số lượng khách quá đông hay muốn tiết kiệm chi phí, nhiều nhà hàng yêu cầu đầu bếp sử dụng lại dầu cũ để chiên thực phẩm cho khách. Nhưng khi nấu ăn ở nhà cho gia đình, các đầu bếp thực thụ không bao giờ sử dụng dầu cũ bởi vì họ biết loại dầu này có mùi hôi, không còn thơm ngon, hơn nữa dầu bị biến đổi không còn tốt cho sức khỏe.

Các đầu bếp khuyên dầu đã qua sử dụng có màu sẫm, mùi cháy thì nên dứt khoát đổ đi, hơn nữa lúc này dầu ăn đã không còn giá trị dinh dưỡng. Dầu càng dùng nhiều lần càng có nhiều chất độc hại, sẽ sinh ra chất gây ung thư loại 1 gọi là benzopyrene.

4. Dùng muối quá nhiều

Chế độ ăn nhiều muối lâu dài làm tăng nguy cơ cao huyết áp và do đó dễ dẫn tới nguy cơ bị đột quỵ và các bệnh tim mạch vành, bệnh mạch máu não khác. Ngoài ra, ăn mặn còn nhanh chóng gây ra các bệnh về dạ dày, thận, lâu ngày dễ hình thành sỏi, viêm loét, ung thư dạ dày.

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người trưởng thành không nên ăn nhiều hơn 6g muối mỗi ngày. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn với nhiều gia vị được tẩm ướp để bảo vệ sức khỏe.

5. Dùng chảo chống dính sai cách

Những chiếc chảo chống dính được phủ bằng polytetrafluoroetylen, còn được gọi là Teflon và có rất nhiều tin đồn cho rằng Teflon có thể gây ung thư. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi lớp phủ chống dính bong ra và bạn ăn phải chúng.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người thường dùng sai dụng cụ khi nấu ăn bằng chảo chống dính, hoặc vì tiết kiệm mà sử dụng các loại chảo kém chất lượng, chảo bị bong tróc chống dính vẫn tiếp tục dùng. Điều này khiến các chất độc hại lẫn vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe.

Vì vậy, khi chảo hoặc bất cứ vật dụng nấu nướng chống dính nào có các dấu hiệu biến dạng, trầy xước, đổi màu thì hãy thay thế bằng cái mới. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng hạn sử dụng tối đa của 1 chiếc chảo chống dính tốt cũng chỉ là 5 năm, nên đừng vì tiết kiệm mà rước bệnh tật vào người.

6. Sử dụng cùng một loại thớt cho thực phẩm sống và chín

Khi thái thực phẩm sống, vi khuẩn trong thực phẩm sẽ bám lại trên thớt và việc dùng tiếp chiếc thớt đó để gọt hoa quả hay thái đồ chín sẽ làm lây lan ký sinh trùng lên thực phẩm. Dù cho bạn có khử trùng bằng nước sôi trước khi sử dụng thì vi khuẩn vẫn không thể biến mất hoàn toàn.

Một gian bếp sạch đẹp nên có ít nhất 3 chiếc thớt để thái rau củ, thái thực phẩm sống và thái thực phẩm chín.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/6-thoi-quen-nau-nuong-doc-khung-khiep-va-gay-ung-thu-dang-tiec-nhieu-ba-noi-tro-pham-phai-1722111180934108.htm