Ngày 30-7, Báo Người Lao Động đã có trao đổi với bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, về thông tin bệnh nhân 449 (R.M.G, SN 1963, quốc tịch Mỹ, sống ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) từng điều trị ở bệnh viện này trước khi phát hiện mắc Covid-19.
Theo bác sĩ Thạch, ngày 26-6, bệnh nhân G. đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng ho, sốt, khó thở, đau mình. Các kết quả chụp MRI của bệnh nhân sau đó có phát hiện hang lao. Bác sĩ điều trị nghi ngờ bệnh nhân G. mắc chứng lao phổi và nhiều vị trí tổn thương ở phổi.
Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, ngày 6-7, bệnh nhân G. được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân G. lần lượt điều trị tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc, ngoại lồng ngực, quốc tế, nội hô hấp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, ngày 20-7, bệnh nhân G. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy bằng xe cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng, đi cùng có bà T (44 tuổi, là người yêu của bệnh nhân) cùng 1 tài xế và 2 nhân viên y tế. Lúc này bệnh nhân R. được Bệnh viện Đà Nẵng chẩn đoán viêm phổi nặng, tăng huyết áp, tràn khí màn phổi đã dẫn lưu ngày 20-7.
Bác sĩ Thạch cho hay, sở dĩ bệnh viện này không thực hiện xét nghiệm Covid-17 cho bệnh nhân G. là do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là yếu tố dịch tễ. Cụ thể, theo khai thác từ bệnh nhân và người thân, ông G. sống tại Việt Nam đã 3 năm và suốt thời gian trên không đi nước ngoài. Người sống cùng ông là bà T. cũng không hề có lịch sử đi nước ngoài trong 3 năm trên. Bên cạnh đó, thời điểm ông G. cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cũng là lúc Việt Nam đã gần 70 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dựa trên lịch sử dịch tễ như trên nên cùng một số lý do chủ quan khác, bệnh viện đã không thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Thạch, trong suốt 9 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân G. có tiếp xúc gần với khoảng hơn 60 nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện. "Cho đến thời điểm hiện tại, đã 24 ngày bệnh nhân G. rời bệnh viện. Tuy nhiên, toàn bộ số y bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân này đều không có dấu hiệu ho, sốt và có sức khỏe hoàn toàn bình thường" - bác sĩ Thạch cho hay.
Hiện tại, hơn 60 y bác sĩ, nhân viên y tế có tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được CDC Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào chiều 29-7. Dự kiến sẽ có kết quả xét nghiệm trong 30-7.
Nói về những thông tin lan truyền cho rằng ca bệnh này là F0, là nguồn lây nhiễm chính ở Đà Nẵng, bác sĩ Thạch cho rằng rất ít có khả năng bệnh nhân này nhiễm Covid-19 từ khi ở Bệnh viện Hoàn Mỹ. "Nếu bệnh nhân này mắc Covid-19 từ khi vào Hoàn Mỹ thì chắc chắc sẽ lây cho ít nhất 1 vài ca là y bác sĩ ở đây. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa ghi nhận ca nào cả" - bác sĩ Thạch phân tích. Bác sĩ Thạch cũng cho rằng đến thời điểm hiện tại, rất khó để xác định bệnh nhân G. mắc Covid-19 từ khi nào nên không thể nói chính xác là bệnh nhân lây nhiễm ở đâu.
Trước đó, ngày 29-7, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc Covid-19 trong đó có 2 ca bệnh ở TP HCM gồm ca bệnh 449 và 450 - là người yêu của bệnh nhân 449.
Đường đi của 2 ca 449 và 450 mắc Covid-19 từ Đà Nẵng vào TP HCM
Cụ thể, 2 ca nhiễm Covid-19 này là bệnh nhân nam tên R.M.G (ca 449) 57 tuổi, quốc tịch Mỹ, là võ sư) và người yêu là N.T.T.T là ca 450 (44 tuổi).
Theo lịch sử đi lại, bà T. ở Đà Nẵng được 10 năm và ở cùng ông R. 3 năm. Trong vòng 3 năm qua, 2 người không rời khỏi Việt Nam. Khi bệnh nhân R. bị bệnh, bà T. đã theo chăm sóc trong suốt quá trình điều trị.
Ngày 26-6, bệnh nhân R. nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng vì viêm phổi (tiền sử viêm phổi trên 10 năm). Ngày 6-7, bệnh nhân R. chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Trong thời gian này, bệnh nhân được điều trị lần lượt tại các khoa Cấp cứu, ICU, Ngoại lồng ngực, khoa Quốc tế, Nội hô hấp.
Từ ngày 26-6 đến 20-7, bệnh nhân T. có về địa chỉ 683 Âu Cơ (P.Thanh Kê, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) 2 lần, có gặp chủ nhà và 2 nhân viên.
Lúc 18 giờ ngày 20-7, cả 2 người được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đến Bệnh viện Chợ Rẫy bằng xe cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng, đi cùng 1 tài xế và 2 nhân viên y tế. Lúc này bệnh nhân R. được Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chẩn đoán viêm phổi nặng, tăng huyết áp, tràn khí màn phổi đã dẫn lưu ngày 20-7.
Lúc 11 giờ ngày 21-7, bệnh nhân R. nhập phòng cách ly khoa cấp cứu, sau đó chuyển khoa Nội Hô hấp của Bệnh viện Chợ Rẫy, với chẩn đoán viêm phổi không đáp ứng điều trị, tràn khí màn phổi đã dẫn lưu, cường giáp đang điều trị. Bệnh nhân T. có mua đồ ăn ở căn tin Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân T. có đeo khẩu trang, bệnh nhân R. không đeo khẩu trang.
Lúc 21 giờ cùng ngày, bệnh nhân R. được chuyển đến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Triều An bằng xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Đi cùng có bệnh nhân T, một người bạn và tài xế. Tại Bệnh viện Triều An, bệnh nhân tiếp xúc với 7 nhân viên y tế, 3 bảo vệ, 1 hộ lý và 1 kế toán.
Lúc 22 giờ 15, bệnh nhân R. nhập khóa Cấp cứu của Bệnh viện Quốc tế City bằng xe cấp cứu của Bệnh viện Triều An, chẩn đoán theo dõi lao phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi lớp mỏng. Đi cùng có bệnh nhân T, 1 người bạn và 1 tài xế, tiếp xúc 12 nhân viên. Lúc 23 giờ, bệnh nhân được chuyển lên phòng ICU, điều trị tại phòng áp lực âm, tiếp xúc 22 nhân viên.
Lúc 11 giờ ngày 21-7, bệnh nhân T. thuê khách sạn T.D 2 (đường Châu Văn Liêm, Q.11, TP HCM) ở tại lầu 3, có tiếp xúc với 2 lễ tân (bệnh nhân có đeo khẩu trang).
Lúc gần 8 giờ ngày 22-7, bệnh nhân trả phòng. Trước đó, tầm 6 giờ 48 phút ngày 22-7, bệnh nhân T. đi cùng người bạn từ Bệnh viện Quốc tế City đến khách sạn T.D 2 bằng Grabcar (mã IOS-10471504:8:090) sau đó trở lại bệnh viện bằng xe máy.
Ngày 24-7, bệnh nhân R. chuyển qua khoa Nội lầu 8, nằm phòng cách ly áp lực âm đặc biệt của Bệnh viện Quốc tế City với triệu chứng ho nhiều, đau ngực khi ho. Bệnh nhân có tiếp xúc với 13 nhân viên.
Trong khi đó, bệnh nhân T. về nhà ở phường 16, quận 8 -TP HCM khoảng 1 giờ để tắm rửa, lấy đồ rồi đi. Tại nhà có nói chuyện với 3 người nhà gồm mẹ và 2 em trai.
Xét nghiệm PCR phết mũi họng ngày 27-7 của cả 2 bệnh nhân trên, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 2 trường hợp đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Theo HCDC, cơ quan chức năng đã lập danh sách những người lưu trú tại khách sạn T.D 2, cách ly tập trung 4 nhân viên khách sạn, vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nơi này và cử cán bộ ở khách sạn để chăm lo ăn uống.
Đồng thời, lập danh sách tiếp xúc với bệnh nhân tại các nơi bệnh nhân lui tới. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung, các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc thì được cách ly cấp 2.
Cơ quan chức năng cũng tiến hành khử khuẩn tại khu vực sống của bệnh nhân ở quận 8, tạm thời phong tỏa con hẻm cư trú của bệnh nhân để đợi kết quả xét nghiệm và đang tiến hành các biện pháp y tế khẩn cấp.