Phép nhiệm màu mang tên Việt Nam

ngày 08/07/2020

BN91 khỏi bệnh đã ghi một dấu son vào lịch sử y học Việt Nam.

Stephen sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến bệnh cực xấu, rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” – phản ứng miễn dịch dữ dội. Stephen biến chứng nặng nề kéo dài suốt 50 ngày, suy đa tạng, tổn thương thận, gan, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu, vi huyết khối, xuất huyết…

Sự sống của Stephen đã từng gần như không còn. Chỉ cần một phút nản lòng, chỉ cần một chút buông tay của y bác sĩ Việt Nam, một chút hy vọng cuối cùng cho BN91 đã có thể không còn. Tất nhiên, trong nỗ lực cứu sống BN91, có một thuận lợi nằm trong tổng thể cuộc chiến với Covid-19 ở Việt Nam là việc kiểm soát dịch tốt nhất ở mức có thể, hạn chế thấp nhất số ca nhiễm.

Như chính Stephen khi tỉnh dậy đã thừa nhận, nếu không ở Việt Nam thì “tôi đã không thể sống”. Khoan chưa bàn đến năng lực y học, sự tận tâm mà chỉ cần ở một quốc gia khác khi số ca nhiễm tới hàng chục nghìn người, thì chắc chắn trong việc ưu tiên máy thở và các biện pháp y học đặc biệt sẽ đành phải buông với những ca nặng như BN91. Còn ở Việt Nam, đã từng có những thời điểm ghép phổi gần như là biện pháp duy nhất cuối cùng để cứu sống Stephen. Mà ghép phổi đồng nghĩa với một chi phí khủng khiếp. Nhưng ngay cả phương án ấy cũng đã được đặt ra với một quyết tâm mãnh liệt là chỉ cần bệnh nhân còn một chút sự sống là còn hy vọng.

Chúng ta không biết cụ thể các y bác sĩ Việt Nam đã phải làm những gì để giành lại sự sống cho BN91 từ bàn tay tử thần. Nhưng chúng ta chắc chắn rằng đó là một hành trình cực kỳ gian nan của đội ngũ các y bác sĩ hàng đầu ở Việt Nam. Nỗ lực không mệt mỏi của họ đã được đền đáp bằng một sự sống, từ những tia hy vọng mong manh.

Trong khi mỗi ngày chúng ta tiếp nhận những con số đau lòng trên thế giới về số ca tử vong vì đại dịch Covid-19, không ngừng tăng mỗi ngày. Số người tử vong mỗi ngày mà thế giới đành phải chấp nhận trong suốt nửa năm qua do dịch bệnh âm thầm cướp đi những sinh mạng đáng sợ hơn cả những cuộc chiến tranh. Tới mức đôi khi sau những ngày hốt hoảng ban đầu càng ngày càng biến chúng ta thành vô cảm khi tiếp nhận những con số ấy. Để thấy rằng ở Việt Nam, nỗ lực để giành giật lấy sự sống của một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã ở vào tình trạng rất nặng là một nỗ lực phi thường. Chỉ một phút chùng lòng, chỉ một phút nản chí, chỉ một lần buông tay... Không ai trách được các y bác sĩ nếu họ nản lòng, nhưng họ đã không làm thế.

Chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống, có sự nỗ lực của chính BN91, chính ông cũng đã không buông xuôi, ông có lẽ cũng đã cố gắng không ngừng một giây nào, trong số những chuỗi ngày đằng đẵng mà sự sống đã trở lên rất mong manh. Sự nỗ lực của ông và sự nỗ lực của ngành y tế Việt Nam đã bảo toàn mạng sống cho ông, không phải quá lời khi nói rằng BN 91 đã bảo toàn mạng sống, hồi sinh như từ cõi chết trở về.

Rồi BN91 sẽ trở về quê hương nước Anh, đủ sức khỏe để bay một chặng dài, không phải như lo lắng của người thân, bạn bè ông trước đó là có thể họ sẽ đón Stephen trở về khi không còn một chút hơi thở nào nữa. Rồi các y bác sĩ hàng đầu Việt Nam sẽ lại bận rộn với những ca bệnh khác. Nhưng BN91 khỏi bệnh đã ghi một dấu son vào lịch sử y học Việt Nam, trong chuỗi rất nhiều thành tựu rất đáng tự hào của nền y học nước nhà.

Không phải chỉ có Stephen cảm động vì ông đã hồi sinh. Niềm tự hào vì Stephen hồi sinh được chia đều cho mọi người Việt Nam. Thêm một lần, chúng ta có đủ niềm tin vào nền y học nước nhà, vào sự tân tâm và nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ hàng đầu Việt Nam trong việc chống dịch, cứu người.

Khi một sự sống được duy trì, là một ngọn lửa được thắp lên ánh sáng, của niềm tin, hy vọng và sự tự hào vào thành tựu y học Việt Nam. Chỉ cần không buông tay, phép nhiệm màu sẽ trở lên huyền diệu. Phép nhiệm màu trước hết mang tên năng lực, ý chí và sự nhân văn Việt Nam. Chỉ còn một hơi thở là còn hy vọng. Niềm hy vọng củng cố quyết tâm để các y bác sĩ Việt Nam đã dành hết trí tuệ, y đức và quyết tâm cứu sống một con người.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết