Phát hiện phương pháp có thể trẻ hóa da, kéo dài tuổi thọ

ngày 26/01/2021

Theo Giáo sư Kwang-Huyn Cho, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), kỹ thuật ban đầu của nhóm tác giả có thể giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan lão hóa, đảo ngược quá trình này và kéo dài tuổi thọ.

Trả lời phỏng vấn với RT, giáo sư Cho nói thêm họ đã quan sát quá trình làn da hồi sinh trong điều kiện phòng thí nghiệm. Ông Cho khẳng định đây là kết quả “ấn tượng”, “đáng kinh ngạc”, kỹ thuật mới áp dụng cho toàn bộ cơ thể, không riêng làn da.

Phương pháp mà KAIST thực hiện dựa vào sự ức chế hóa học và can thiệp gene để tắt một phân tử khiến tế bào già đi. Các nhà nghiên cứu cũng có thể “đánh thức” tế bào da trẻ hóa, tăng khả năng sửa chữa. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, nó cũng giúp kích thích phân chia, sản sinh tế bào mới.

Phương pháp của nhóm tác giả tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc hứa hẹn mang công nghệ đột phá cho ngành thẩm mỹ. Ảnh: Getty.

Về cơ bản, chức năng mô da đã được tái tạo, mang lại lượng collagen và sợi đàn hồi khỏe mạnh, loại bỏ nếp nhăn. Giáo sư Cho còn khẳng định kỹ thuật này có thể giúp chấm dứt tình trạng khô, nhăn, mất đàn hồi và mỏng da.

Trên thực tế, tế bào phân chia không kiểm soát có thể dẫn đến các khối u ác tính. Cơ chế này tạo nguy cơ mắc ung thư ở nhiều người. Về điểm này, giáo sư Cho khẳng định các tế bào da đã được chỉnh sửa gene hoàn toàn có thể thích nghi mà không dẫn đến ung thư. Phương pháp của KAIST cũng loại bỏ tế bào chết, hạn chế tình trạng viêm.

Tuy nhiên, Giáo sư Cho nói thêm chi phí để sử dụng phương pháp này trong thẩm mỹ kéo dài tuổi xuân không hề nhỏ. Tùy thuộc thành công của thử nghiệm, nhóm dự kiến đưa phương pháp “cải lão hoàn đồng” này ra ngoài thị trường trong khoảng 5-7 năm. Ông Cho đặt niềm tin nó sẽ thay thế phương pháp thẩm mỹ hiện tại để giảm nếp nhăn, ngừa lão hóa.

Kết quả trên được đăng tải trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả ban đầu khá khả quan, tuy nhiên, họ cũng cần thời gian để hoàn thiện và thử nghiệm lâm sàng.


Nguồn: SKĐS