Những điều cần lưu ý khi xông hơi bằng lá để tránh nguy hiểm đến tính mạng

ngày 05/10/2021

Từ xa xưa, phương pháp giải cảm lạnh nhờ xông hơi bằng lá đã được áp dụng vô cùng phổ biến và hiệu quả đem lại khá tốt. Tuy nhiên mọi người vẫn cần lưu ý những điều sau đây để xông hơi một cách an toàn và hiệu quả.

1. Hiểu rõ tác dụng của việc xông hơi bằng lá

Trước khi chuẩn bị 1 nồi xông lá thì chúng ta cần phân biệt giữa cảm và cúm. Đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau nhưng lại có biểu hiện khá giống nhau. Đều xuất hiện nhiều trong những thời điểm giao mùa và hay gặp ở đối tượng trẻ em và người già.

Đối với bệnh cúm, theo Y học cổ truyền được xếp vào nhóm bệnh Ôn bệnh. Cơ thể suy yếu khiến phong hàn, phong nhiệt thừa cơ xâm nhập vào phế gây bệnh. Biểu hiện của cảm lạnh – cảm phong hàn: Sợ gió, sợ lạnh, sốt, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi dịch trong và loãng, hắt hơi.

Còn biểu hiện của cúm là cảm phong nhiệt: Sốt, đau nặng đầu, đau mỏi toàn thân, hắt hơi sổ mũi, dịch mũi đặc, miệng khô. Có thể có ho, nếu có đờm thì đờm thường vàng đặc, rêu lưỡi vàng.

Hiện tại, cảm cúm chưa có thuốc đặc trị nhưng có nhiều cách chữa trị triệu chứng, một trong số đó là xông hơi bằng lá. Xông hơi đúng cách có thể giúp giải cảm, phục hồi sức khỏe, tuy nhiên nên lưu tâm đến một số điều sau để tránh gây nguy hiểm cho chính mình.

2. Lưu ý khi xông hơi bằng lá để điều trị cảm cúm- Phải xông trong môi trường kín gió

Trước hết cần đảm bảo việc xông hơi cần trong môi trường kín gió để nâng hiệu quả trong việc điều trị. Khi gặp hơi nóng các lỗ chân lông sẽ nở to để thoát nhiệt, nếu có gió sẽ rất nguy hiểm nếu cơ thể bị nhiễm lạnh. Không những bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn ban đầu.

Xông hơi bằng lá có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ giải cảm cúm - Ảnh: Internet

- Chuẩn bị đầy đủ các loại lá xông thích hợp

Kết hợp những loại thảo dược khác nhau để tạo nên 1 nồi xông hơi hoàn chỉnh. Trong đó có một số loại lá nên có như:

- Lá bưởi: có tác dụng giải cảm, tiêu thực

- Kinh giới: tác dụng giải cảm, cầm máu, lợi tiểu

- Bạc hà : sát khuẩn. Chống viêm hiệu quả

- Hương nhu trắng (hoặc tím): chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi

- Gừng: ra mồ hôi, tiêu độc, cầm nôn, làm ấm cơ thể

- Sả: sát khuẩn, tiêu đờm, chữa đầy bụng khó tiêu

- Lá ngũ trảo: hạ sốt, long đờm, giảm đau

- Lá tre: giải nhiệt, tiêu đờm

- Tía tô: trị cảm mạo, giải độc

- Húng chanh: phát tán phong hàn, tiêu độc, long đờm, làm ra mồ hôi

- Ngải cứu: tác dụng kháng khuẩn, giảm đau.

Mỗi loại lá đều có ưu điểm khác nhau cùng mùi thơm đặc trưng, tinh dầu có các tính chất khác viêm giảm đau. Nhờ vậy, khi hơi nước bốc lên sẽ đi theo đường hô hấp vào trong cơ thể để đẩy các chất độc do cảm lạnh ra ngoài.

- Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp

Khi xông hơi rất khó điều chỉnh nhiệt độ, tình trạng bỏng da rất dễ xảy ra. Do đó, khi bắt đầu xông bạn nên mở hé nắp vung nồi xông từng chút một, tuyệt đối không mở hết, hơi nóng bốc lên có thể gây bỏng mặt. Trùm kín chăn để đảm bảo hơi không bay ra ngoài. Nếu nhiệt độ xuống thấp thì mở hé thêm ra.

Nếu được, bạn hãy cho vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu tràm để tăng thêm mùi thơm dễ chịu. Nếu sau 15-20 phút thấy mồ hôi ra nhiều, cảm giác cảm dần biến mất thì hãy ngừng xông.

- Không nên tắm ngay sau khi xông

Khi xông hơi xong, bạn không nên tắm ngay mà hãy dùng 1 chiếc khăn khô thấm hết mồ hôi xung quanh người và mặc quần áo nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Nếu tắm ngay rất nguy hiểm vì lỗ chân lông đang nở to do hơi nước sẽ lập tức co lại khi tiếp xúc với nước lạnh khiến nước bên trong bị bịt kín không thoát được, dẫn đến cảm lạnh trở lại và máu huyết lưu thông kém.

Lưu ý khi xông hơi bằng lá tránh gây nguy hiểm cho người bệnh - Ảnh: Internet

Để cảm thấy thoải mái hơn, hãy chuẩn bị thêm 1 bát cháo nóng có nhiều hành, tía tô trong khi mặc quần áo nghỉ ngơi sẽ giúp giải cảm tốt hơn.

- Lưu ý không nên xông hơi bằng lá nếu cơ thể bạn đang ốm yếu

Một số trường hợp cơ thể bị cảm mạo phong nhiệt, người sốt cao thì tuyệt đối không nên xông lá giải cảm, hoặc cảm lâu ngày không khỏi, có dấu hiệu ho đờm vàng đặc, khó thở.

Những người có tuổi cao sức yếu, trẻ em còn nhỏ cũng không nên xông hơi, phụ nữ mang thai cần hết sức hạn chế.

Đặc biệt, người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch tiểu đường, hoặc vừa uống rượu xong cũng tuyệt đối không nên xông hơi rất dễ gây nguy hại tới sức khỏe.

Hơn nữa, bạn cũng không nên quá lạm dụng cách này. Mỗi lần bị cảm, bạn nên xông khoảng 1-2 lần trong ngày, mỗi lần không kéo dài quá 20 phút. Xông liên tục sẽ khiến cơ thể mất nước nhiều dẫn đến mất điện giải, tăng mệt mỏi và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe.

3. Chế độ chăm sóc người bị cảm lạnh tại nhà

Khi có người trong gia đình bị cảm nên theo dõi sớm để loại bỏ tác nhân virus gây cúm. Người bệnh kết hợp uống thuốc và giải cảm, nghỉ ngơi tại nơi thoáng, tránh gió và khô ráo. Không nên bật máy lạnh sẽ làm cho bệnh tình càng nặng hơn.

Ăn cháo hành giải cảm - Ảnh: Internet

- Người nhà theo dõi nhiệt độ hằng ngày, vệ sinh quần áo, vệ sinh răng miệng thường xuyên.

- Thực đơn hằng ngày nên có các món mềm, dễ tiêu như cháo, súp, thịt hầm… kết hợp uống nhiều nước để bổ sung lại khoáng chất và vitamin tăng sức đề kháng.

- Nếu người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nên cách ly tạm thời, thực hiện các biện pháp rửa tay, súc họng, nước muối sinh lý, đeo khẩu trang…

- Nếu bị cảm quá 3 ngày nên cân nhắc đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhung-dieu-can-luu-y-khi-xong-hoi-bang-la-de-tranh-nguy-hiem-den-tinh-mang-412021510143525507.htm