Nhận thức về tác dụng phụ từ vaccine ngừa COVID-19 giúp xử lý hiệu quả các biến chứng

ngày 25/09/2021

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tỷ lệ tử vong do hội chứng rối loạn đông máu (TTS) hiếm gặp liên quan đến vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca sản xuất tại Australia hiện rất thấp, chưa đến 1/5 so với ước tính ban đầu.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu năm nay, căn cứ trên dữ liệu từ nước ngoài về chứng rối loạn TTS, các chuyên gia ước tính khả năng tử vong nếu xuất hiện cục máu đông là khoảng 25%. Tuy nhiên, với hơn 11,3 triệu liều vaccine của AstraZeneca đã được sử dụng cho đến nay, Australia mới ghi nhận tổng số 141 người xuất hiện TTS liên quan đến việc tiêm vaccine, bao gồm cả các trường hợp đã được xác nhận và có khả năng. Trong số này, tám người đã tử vong do cục máu đông, với tỷ lệ khoảng 5,6%.

Chủ tịch Cục Quản lý Sản phẩm Trị liệu (TGA) John Skerritt cho rằng, tỷ lệ tử vong thấp như vậy là nhờ một số yếu tố kết hợp. Đầu tiên, đó là các bác sỹ Australia đã nhanh chóng nắm bắt thông tin và học hỏi các kinh nghiệm từ Anh và châu Âu, nơi triển khai chương trình tiêm chủng rất sớm hơn. Thứ hai, hệ thống bệnh viện quốc gia không bị quá tải bởi các ca mắc COVID-19, cho phép những người xuất hiện các triệu chứng TTS có thể được điều trị nhanh chóng.

Cho đến nay, 121 người có TTS đã được xuất viện sau khi điều trị và 12 người hiện vẫn đang nằm viện, nhưng không có ai phải cần tới điều trị tích cực.

Theo giáo sư Skerritt, thông tin rộng rãi về TTS trên các phương tiện truyền thông, mặc dù có tác động tiêu cực là gây ra tình trạng chần chừ tiêm vaccine, nhưng cũng có tác dụng tích cực là giúp các bác sĩ cũng như người dân nhận thức được các tác dụng phụ tiềm ẩn. Ví dụ như những người bị đau đầu sau khi tiêm chủng cần phải đến gặp bác sĩ và bệnh viện để kiểm tra sớm.

Giáo sư Huyền Trần, chuyên gia huyết học tại Đại học Monash, cũng cho biết nhận thức cao về các triệu chứng có vai trò quan trọng trong việc điều trị thành công cục máu đông ở những người trẻ tuổi, vốn có xu hướng bị nặng hơn. Ông nhấn mạnh, chẩn đoán sớm là yếu tố thực sự quan trọng.

Theo cả giáo sư Skerritt và giáo sư Trần, khả năng điều trị hiệu quả chứng rối loạn của hệ thống y tế Australia cũng là một yếu tố quan trọng khác giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Cả hai đều nhấn mạnh, rủi ro hình thành cục máu đông sau khi tiêm vaccine là cực kỳ hiếm, với tỷ lệ chưa đến một phần triệu và lợi ích bảo vệ mỗi người khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 cũng như các tác động lâu dài của việc tiêm chủng là lớn hơn rất nhiều so với các tác dụng phụ hiếm gặp.

Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhan-thuc-ve-tac-dung-phu-tu-vaccine-ngua-covid19-giup-xu-ly-hieu-qua-cac-bien-chung-20210925111351090.htm