Dầu dừa ngày càng được sử dụng nhiều trong nấu nướng, chăm sóc da, mỹ phẩm. Tuy nhiên việc sử dụng quá nhiều dầu dừa có thể gây những tác hại mà không ai ngờ tới.
Trong bài giảng tại Đại học Freiburg và đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Đức, giáo sư Karin Michels, thuộc Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Ung thư khẳng định những tuyên bố về các tác dụng đa năng của dầu dừa là "hoàn toàn vô nghĩa".
Thậm chí, bà kết luận đó là "chất hại tinh khiết” với hàm lượng chất béo bão hòa và mối đe dọa về vấn đề tim mạch. "Dầu dừa là một trong thực phẩm có hại nhất cho con người", Michels nói.
Cụ thể, dưới đây là những nguy cơ khi sử dụng quá nhiều dầu dừa:
Có hại cho tim: Các thực phẩm giàu chất béo bão hòa có liên quan đến bệnh động mạch vành. Dầu dừa chứa hàm lượng chất béo bão hòa đặc biệt cao và hoàn toàn không chứa các axit béo thiết yếu.
Mức cholesterol cao: 90% thành phần của dầu dừa là chất béo bão hòa, và chất này làm tăng lượng cholesterol LDL có hại. Tác động lâu dài của dầu dừa lên mức cholesterol trong cơ thể chưa được nghiên cứu sâu, do đó bạn chỉ nên dùng lượng vừa phải.
Gây mụn: Dầu dừa được cho là có hiệu quả trong điều trị mụn nhờ có các thành phần kháng khuẩn, nhưng điều này chỉ đúng với da khô hoặc da thường. Sử dụng dầu dừa cho da dầu chỉ khiến tình trạng mụn nhọt tệ hơn.
Dị ứng: Những người bị dị ứng với dầu dừa cần tránh sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa dầu dừa. Dị ứng dầu dừa có thể gây mẩn ngứa, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí sốc phản vệ hoặc tim đập nhanh.
Tăng cân: Dầu dừa giàu chất béo bão hòa, do đó tiêu thụ quá nhiều dầu dừa có thể khiến bạn tăng cân. Mỗi gam chất béo tương đương 9 calo, trong khi mỗi gam carb chỉ tương đương 4 calo.
Bạn có thể thay thế dầu dừa bằng "chất béo lành mạnh" như chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn, chẳng hạn như chất béo trong dầu canola và dầu ô liu, bơ và thịt bò.
Ngoài ra, loại dầu tự nhiên này cũng không có những tác dụng quá tuyệt vời cho việc xóa mờ sẹo, vết thâm, giúp tóc mọc dài và nhanh như nhiều quảng cáo mỹ phẩm vẫn nêu.
Với một lượng nhỏ, dầu dừa có thể bổ sung thêm cho chế độ ăn của người ăn kiêng. Tuy nhiên, để sử dụng hàng ngày, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải hoặc dầu đậu tương để bổ sung chất béo khỏe mạnh cho chế độ dinh dưỡng.