Tại một số nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội, người dân muốn mua thuốc kháng virus Molnupiravir phải có đơn từ bác sĩ hoặc y tế phường.
Từ giữa tháng 2, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được lưu hành có điều kiện tại Việt Nam sau một khoảng thời gian thử nghiệm. Tuy nhiên, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm mua loại thuốc này.
Bắt buộc phải có đơn thuốc
Khảo sát tại một đơn vị kinh doanh thuốc trên đường Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình, Hà Nội), khi được hỏi mua Molnupiravir, chủ cửa hàng khẳng định phải có đơn kê từ bác sĩ.
Người dân xếp hàng mua thuốc tại một cửa hàng thuốc thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Quốc Toàn.
“Thuốc đó thời gian gần đây phổ biến hơn, được nhiều người hỏi mua nhưng đến giờ các nhà thuốc như chúng tôi vẫn chưa có. Giá thuốc tôi cũng không rõ vì chưa bán”, người này cho biết.
Tuy nhiên, chủ cửa hàng thông tin qua tham khảo trên mạng, giá của một hộp Molnupiravir là khoảng 250.000-300.000 đồng.
Trong khi đó, một cửa hàng thuốc khác trên đường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) đã bán Molnupiravir cho khách hàng.
Chủ cửa hàng này cho biết: “Chúng tôi chỉ bán Molnupiravir theo đơn, giấy xác nhận từ bác sĩ, phường, có đóng dấu đỏ hoặc khách phải quay video dài 7 phút về quá trình tự test nhanh tại nhà, từ giai đoạn lấy mẫu đến khi kit hiện 2 vạch”.
Tại đây, một hộp thuốc Molnupiravir được bán với giá 300.000 đồng.
Thuốc Molnupiravir được bán tại hiệu thuốc thuộc quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quốc Toàn.
Ông L.V.L., 56 tuổi, chủ một cửa hàng thuốc trên đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết thời gian qua cũng có khá nhiều khách hỏi mua loại thuốc này.
“Bán Molnupiravir phải có đơn. Do đó, không phải ai cũng mua được. Tôi cũng đã phải từ chối bán cho nhiều khách. Đợt này, đơn vị quản lý thị trường làm rất gắt nên không dám bán bừa bãi”, ông L. chia sẻ.
Chủ cửa hàng này cho biết thêm thời gian gần đây việc nhập thuốc Molnupiravir cũng không còn khó khăn như trước. Giá nhập thuốc hiện cũng không bị tăng cao và được bán cho người dân ở mức 260.000 đồng/hộp.
Ai nên dùng?
Liên quan loại thuốc này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay Molnupiravir là thuốc kháng virus. Do đó, nguyên tắc sử dụng là dùng sớm nhất có thể, qua đó ngăn chặn virus nhân lên.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
“Trong nghiên cứu ban đầu của công ty sản xuất, người ta nhận thấy Molnupiravir có thể giúp bệnh nhân Covid-19 giảm 50% nguy cơ diễn biến nặng và tử vong”, ông nói.
Bác sĩ Cấp lấy ví dụ một người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine khi nhiễm biến chủng Omicron có tỷ lệ diễn biến nặng trung bình khoảng 6%. Với Molnupiravir, tỷ lệ này được kỳ vọng giảm còn 3%.
“Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau khi áp dụng Molnupiravir rộng rãi trong cộng đồng cho thấy hiệu quả của loại thuốc này chỉ còn ở mức giảm 30% nguy cơ diễn biến nặng, tử vong”, vị chuyên gia cho hay.
Dù vậy, Molnupiravir vẫn được đánh giá là một trong những “vũ khí” giúp y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19 giảm số lượng người diễn biến nặng, tử vong. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có những tác dụng phụ người dân cần lưu ý.
Theo đó, đây là loại thuốc mới nên các nghiên cứu trên người chưa nhiều. Ở động vật, các nghiên cứu cũng ghi nhận một số tình trạng bất thường về mặt di truyền và thai nhi.
“Bởi vậy, Molnupiravir không được chỉ định cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú cũng như trường hợp dự định mang thai trong khoảng 8-9 tháng tiếp theo”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Ngoài ra, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng người dân cần xác định nên dùng loại thuốc này sớm do Molnupiravir là thuốc ức chế virus. Trong trường hợp đã muộn, cụ thể là sau khi xuất hiện triệu chứng 5 ngày, việc sử dụng thuốc sẽ ít hiệu quả.
Bác sĩ Cấp nhận định: “Những người khỏe mạnh, đã tiêm đủ liều vaccine, có tới 80-90% không điều trị cũng khỏi bệnh Covid-19. Do đó, việc sử dụng thuốc tràn lan là khá lãng phí. Chúng ta nên ưu tiên loại thuốc này cho người có bệnh lý nền, cao tuổi và chưa tiêm vaccine”.
Đáng chú ý, do Molnupiravir chỉ giảm từ 30 đến 50% tỷ lệ diễn biến nặng, người bệnh sau khi dùng thuốc vẫn cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
Nguồn: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-mua-molnupiravir-o-ha-noi-post1300023.html
-
3 bộ phận của tôm chứa nhiều độc tố, chớ dại mà ăn
-
3 sai lầm về bữa sáng làm hỏng dáng người
-
Các bệnh về da hay gặp ở phụ nữ tuổi ngoài 40 và cách chăm sóc
-
COVID-19: Tại sao chúng ta phải đề phòng biến thể R.1?
-
Phát hiện ngôi sao sáng gấp hàng triệu lần Mặt Trời
-
Những người tuyệt đối không nên tập gym
-
8 mẹo chữa đau đầu cực kì hiệu quả tại nhà
-
Cách làm đẹp da cơ bản chị em nào cũng phải nhớ
-
Thói quen xấu cần tránh để không đau thắt lưng
-
5 sai lầm tẩy da chết và cách khắc phục