Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương và đông đảo các thế hệ cán bộ Viện Tim mạch Việt Nam qua các thời kỳ.
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Tim mạch Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, trở thành viện chuyên khoa đầu ngành trên cả nước và ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trong cả nước.
Tiền thân là Khoa Tim mạch-Bệnh viện Bạch Mai, xét nhu cầu phát triển của ngành Tim mạch, ngày 11-11-1989, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 704/BYT/QĐ thành lập Viện Tim mạch, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Chức năng số một của Viện Tim mạch Quốc gia là khám và điều trị các bệnh nhân tim mạch với ứng dụng kỹ thuật cao bao gồm 3 lĩnh vực tim mạch: Nội khoa, can thiệp và phẫu thuật ở cả hai đối tượng người lớn, trẻ em. Đồng thời, đào tạo và chỉ đạo tuyến - với trách nhiệm cao nhất của Viện Tim mạch đầu ngành.
Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang, Phó viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam tại Việt Nam, hiện mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Bệnh lý tim mạch đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong hiện nay và đang có xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Đáng chú ý, trong các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch thì có đến một nửa là các tác nhân mà chúng ta có thể tránh được nhưng lại chủ quan, coi thường. “Nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm: Hút thuốc lá, uống bia rượu, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu hợp lý… Nếu không kiểm soát được 4 yếu tố này thì các bệnh lý tim mạch còn tiếp tục gia tăng”, PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, một lĩnh vực làm nên tên tuổi và trở thành mũi nhọn của Viện Tim mạch Việt Nam là chuyên ngành Tim mạch can thiệp. Mỗi năm, Viện Tim mạch điều trị nội trú cho gần 30.000 bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng đến phức tạp. Khám ngoại trú cho hàng trăm nghìn lượt, siêu âm tim cho hơn 60.000 lượt. Với 3 mũi nhọn: Tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch và cấp cứu-chăm sóc tích cực tim mạch, mỗi năm có hơn 12.000 lượt bệnh nhân được tiến hành can thiệp tim mạch. Cho đến nay, Viện Tim mạch đã thực hiện thường quy hàng chục kỹ thuật điều trị tiên tiến: Nong van hai lá, nong và đặt Stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và điều trị bằng RF các rối loạn nhịp tim, bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, bít ống động mạch bằng các dụng cụ qua da, đặt Stent Graft, thay van động mạch chủ qua da (TAVI), sửa van hai lá qua da với MitraClip, mổ cầu nối chủ - vành, mổ phình, tách động mạch chủ... Những năm qua, hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch phức tạp đã được cứu sống nhờ những kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới, được các bác sĩ tim mạch Việt Nam ứng dụng và thực hiện thành công. Ngoài ra, Viện Tim mạch Việt Nam cũng là nơi đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn cho các bệnh viện trong cả nước và quốc tế.
Với những thành tích xuất sắc, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Viện Tim mạch Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Một số cá nhân, tập thể của Viện được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế trao tặng.