F0 không triệu chứng nhưng khổ sở vì hậu Covid-19

ngày 18/03/2022

Ngọc Mai xét nghiệm âm tính với Covid-19 sau 5 ngày điều trị, tuy nhiên, chị phải chịu đựng thời gian dài mất ngủ và rụng tóc sau khi khỏi bệnh.

Hậu Covid-19 không chỉ xảy ra với người có triệu chứng ở giai đoạn cấp. Một số ít trường hợp gặp tình trạng này dù thời gian dương tính khỏe mạnh, không triệu chứng.

Chia sẻ với Zing, Ngọc Mai (27 tuổi, TP.HCM) từng khổ sở vì những thay đổi của cơ thể sau khi mắc Covid-19.

Cảm giác sức khỏe suy giảm

Ngọc Mai mắc Covid-19 từ tháng 12/2021 sau khi trở về từ chuyến công tác ở Bình Định. Chị bối rối vì không nghĩ bản thân bị lây nhiễm dù không lui đến bất kỳ nơi tập trung đông có nguy cơ nào. May mắn là nữ nhân viên văn phòng không gặp triệu chứng nào.

"Tôi nghe nói Covid-19 giống như cảm cúm, nhưng thú thật là tôi cũng không bị vấn đề gì tương tự cảm cúm. Tôi ngủ, nghỉ ngơi bình thường, tập thể dục nhẹ nhàng và ăn uống ngon miệng", Mai chia sẻ.

Nếu không rát họng và test nhanh, Mai cũng không biết bản thân trở thành F0. Chị có xét nghiệm âm tính sau 5 ngày tự cách ly tại nhà.

Ngọc Mai bị rụng tóc đột ngột sau 2 tuần khỏi Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, một tuần sau khi khỏi Covid-19, Ngọc Mai bất ngờ thấy tóc rụng ngày càng nhiều hơn. Chị cũng thường xuyên mất ngủ, cơ thể mệt mỏi.

"Tôi cảm giác như sức khỏe suy giảm hơn rất nhiều, cơ thể không có năng lượng, lúc nào cũng như người bị thiếu ngủ. Thỉnh thoảng, tôi cũng bị hụt hơi nếu gắng sức đi thang bộ", Mai kể.

Chị bắt đầu tìm hiểu nhiều tài liệu về hậu Covid-19 và chăm chỉ tập thể thao, đi bộ nhẹ nhàng sau đó chạy bộ, ăn nhiều trái cây và rau xanh hơn. Hiện tại, Mai đã giảm rụng tóc và đỡ mệt mỏi hơn.

Bà Lê Thị Hạnh điều trị hậu Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng). Ảnh: Bích Huệ.

Hơn 2 tháng khỏi Covid-19, bà Lê Thị Hạnh (46 tuổi, ngụ Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) liên tục chịu những rối loạn về sức khỏe khiến công việc ngưng trệ.

"Tôi sụt cân đột ngột, mất ngủ thường xuyên, đau mỏi khắp người và đặc biệt là khó thở. Trong khi thời gian dương tính, tôi đi cách ly tập trung và rất khỏe mạnh", bà Hạnh kể.

Người phụ nữ cho biết bà phải nghỉ việc, bỏ lại 2 con nhỏ ở nhà để nhập Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) điều trị hậu Covid-19.

"Cố gắng điều chỉnh sinh hoạt, mọi việc sẽ qua"

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hải Công, Trưởng khoa Lao và bệnh phổi kiêm Trưởng phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết một số ít trường hợp F0 khỏe mạnh giai đoạn cấp nhưng mệt mỏi, mất ngủ,... sau khi khỏi bệnh.

Ông lý giải: "Tổn thương hậu Covid-19 phổ biến là những tổn thương mạch máu nhỏ và các thụ cảm thần kinh, dẫn đến rối loạn mà có thể không nhìn thấy được trên hình ảnh, có khi chụp chiếu không thấy nhưng bệnh nhân vẫn có những tổn thương vi mạch não".

Ngoài ra, một số trường hợp có tổn thương mạch máu và huyết khối, gây tai biến nhồi máu cơ tim. Do đó, giai đoạn mắc Covid-19 không trầm trọng nhưng hậu Covid-19, người bệnh có thể gặp rối loạn tăng đông máu, tổn thương mạch máu gây huyết khối.

Bác sĩ Nguyễn Hải Công kiểm tra X-quang phổi của bệnh nhân hậu Covid-19. Ảnh: Bích Huệ.

TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lý giải hậu Covid-19 là những triệu chứng xuất hiện sau vài tháng khỏi bệnh mà căn nguyên không phải do các bệnh lý đi kèm hoặc mới phát sinh khác.

Với kinh nghiệm Trưởng phòng Khám di chứng hậu Covid-19, TS Vinh nhận thấy hậu Covid-19 có rất nhiều triệu chứng, biểu hiện ở khắp cơ quan trên cơ thể từ đầu đến chân.

Ông cũng từng khám cho những người gặp các rối loạn sau khỏi bệnh, trong khi lúc mắc bệnh họ hoàn toàn khỏe mạnh.

Hiện nay, y học cố gắng giải thích và đưa ra nhiều giả thuyết về vấn đề này. Tuy nhiên, TS Vĩnh cho biết để phân tích cặn kẽ, lý giải cơ chế chính xác của hậu Covid-19 thì chưa ai tự tin đưa ra nhận định. Trên thế giới, các hội thảo khoa học thường xuyên đưa ra bàn luận về chủ đề này nhưng vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể.

“Có thể, Covid-19 còn quá mới mẻ, các nghiên cứu chưa nhiều để có đầy đủ bằng chứng để giải thích cơ chế. Ngay cả việc điều trị Covid-19 trên thế giới vẫn chưa có phác đồ chung nhất. Do đó, các vấn đề về hậu Covid-19 hiện vẫn là những nhận định cơ bản ban đầu", TS Vinh nói.

Khu vực chờ khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Ở góc nhìn lạc quan hơn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền Nhiễm TP.HCM, khuyên rằng Covid-19 cũng như các bệnh do virus khác, người bệnh sẽ cần thời gian để cơ thể hồi phục. Thời gian này có thể vài ngày, vài tuần hoặc tính theo tháng. Ông cũng từng biết có người mệt mỏi, vật vã dù đã khỏi bệnh thương hàn, sởi.

"Sau đợt nhiễm trùng kéo dài vì virus gây Covid-19, cơ thể cần năng lượng để tạo kháng thể, người bệnh nặng có thể cần 6 tháng. Tuy nhiên, ở người trẻ, việc thiếu ngủ, lo lắng, căng thẳng quá mức,... càng khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Do đó, chúng ta cố gắng điều chỉnh sinh hoạt hợp lý, mọi việc sẽ qua và ổn định trở lại", ông nói.

Bác sĩ Khanh khuyên nếu cơ thể mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19, người bệnh cố gắng nghỉ ngơi, không gắng sức, ngủ đủ giấc và điều độ. Ngoài ra, các bài tập thể dục, yoga, thiền và ăn uống đủ chất cũng là giải pháp tốt để cơ thể điều hòa trở lại.

Về công việc, trong thời gian này, tốt nhất là ưu tiên những việc quan trọng, không cố làm quá sức. Nếu thời gian mệt mỏi kéo dài nhiều tháng không dứt thì người bệnh nên đi bệnh viện để khám.

Nguồn: https://zingnews.vn/f0-khong-trieu-chung-nhung-kho-so-vi-hau-covid-19-post1295529.html