Đồ uống tốt và không tốt cho người bệnh tiểu đường

ngày 26/09/2023

Người bệnh tiểu đường nên uống nước lọc hoặc nước ép cà chua thay vì trái cây ngọt, hạn chế nước có ga và rượu bia để kiểm soát đường huyết.

Đồ uống có carbohydrate (carb) ảnh hưởng đến đường huyết nhiều hơn đồ uống không chứa carb và đường. Người tiểu đường nên chọn loại ít đường và không đường. Dưới đây là đồ uống tốt và không tốt cho người bệnh.

Uống nước cả ngày

Người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày để phòng mất nước, điều chỉnh đường huyết. Vì nước làm loãng máu nên làm giảm lượng đường trong máu. Nam giới nên uống khoảng 3,5 lít và nữ là khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày.

Dùng nước ép trái cây nguyên chất chừng mực

Thỉnh thoảng người bệnh tiểu đường có thể thưởng thức một ly nước ép trái cây nguyên chất 120-180 ml. Nên tính lượng carb của đồ uống vào lượng carb tổng thể trong bữa ăn nhằm tránh tăng đường huyết.

Ví dụ bữa sáng gồm nước cam, trứng và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. 235 ml nước cam ép có 24 g carb, bạn tính thành phần dinh dưỡng của trứng, bánh mì để lượng carb phù hợp, khoảng 45-60 g carb cho một bữa tùy theo từng người.

Chọn nước ép cà chua

Nếu bạn thích uống nước trái cây thì nên chọn nước ép cà chua thay cho trái cây có đường khác. Theo nghiên cứu năm 2012 của Trường Đại học Khoa học Y tế Tehran (Iran), 106 phụ nữ béo phì uống 330 ml nước ép cà chua mỗi ngày trong một tháng giảm các triệu chứng viêm nhiễm toàn thân.

Ăn trực tiếp trái cây tốt hơn nước ép. Nghiên cứu năm 2010 của Trường Đại học Khoa học Y tế Iran trên 32 người tiểu đường cho thấy ăn cà chua mỗi ngày làm giảm huyết áp và nguy cơ tim mạch liên quan đến bệnh này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mỗi cốc nước ép cà chua (khoảng 237 ml) có 10 g carb. Nên sử dụng nước ép nguyên chất, không thêm muối hoặc đường để không ảnh hưởng đường huyết, tốt cho sức khỏe.

Nước ép cà chua tốt cho bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Nước ép cà chua tốt cho bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Chọn sữa không béo

Sữa không béo hoặc ít béo có lợi cho người tiểu đường vì chúng cung cấp protein và canxi. Lưu ý tính lượng sữa vào tổng lượng carb cho một bữa ăn để tránh ảnh hưởng đường huyết. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một cốc sữa 1% béo (khoảng 237 ml) chứa 310 mg canxi, chiếm khoảng 24% giá trị dinh dưỡng hàng ngày.

Không uống nước ngọt, trà đóng chai

Đồ uống có đường được hấp thụ vào máu rất nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Tiêu thụ thường xuyên soda, trà và nước ngọt đóng chai làm tăng khả năng mắc bệnh.

Theo nghiên cứu năm 2016 trên hơn 1.600 người của Trường Đại học Tufts (Mỹ), người trung niên uống nhiều hơn ba loại đồ uống có đường mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 46% người không dùng. Người tiểu đường nên mang theo chai nước để cung cấp nước thường xuyên cho cơ thể.

Dùng cà phê, trà không đường vừa phải

Người tiểu đường có thể uống trà và cà phê không đường chừng mực. Nghiên cứu năm 2021 của Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) trên hơn 500.000 người cho thấy, cà phê và trà, nhất là trà xanh, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Nếu muốn tăng hương vị, bạn thêm sữa hay kem vào đồ uống nhưng với lượng nhỏ để không vượt tổng mức carb của bữa ăn.

Không dùng nước uống thể thao

Đồ uống thể thao giúp bổ sung muối, chất dinh dưỡng cho người hoạt động thể thao thường xuyên. Người bệnh tiểu đường không nên dùng đồ uống này dù có tập thể dục, thay vào đó chọn nước lọc để giữ đủ nước khi hoạt động thể chất.

Nên ăn nhẹ lành mạnh sau khi tập luyện, ví dụ một quả táo với một chút bơ đậu phộng hoặc một quả trứng luộc chín và một quả cam. Những lựa chọn này bổ sung protein và carb cần thiết để phục hồi sau khi tập thể dục mà không làm tăng đường huyết.

Không dùng nước tăng lực

Theo Trung tâm Dinh dưỡng và Bổ sung Quốc gia Mỹ, nước tăng lực tăng cường năng lượng tạm thời nhờ đường, caffeine và các chất phụ gia khác. Nhưng các chất này có thể gây rối loạn và tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gián đoạn giấc ngủ. Nếu cần tăng năng lượng nhanh chóng, bạn có thể chọn cà phê và trà không đường. Cách tốt để giữ sức khỏe, tỉnh táo là ngủ đủ 7-9 giờ mỗi đêm, tập thể dục tối thiểu 150 phút mỗi tuần.

Uống rượu ít

Người tiểu đường nên hạn chế rượu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, nếu uống rượu, chỉ nên dùng lượng nhỏ, vì rượu có thể làm biến động lượng đường trong máu. Cụ thể, tối đa một ly đối với nữ và hai ly đối với nam giới mỗi ngày. Một ly tương đương 44 ml rượu chưng cất, 355 ml bia hoặc 148 ml rượu vang.

Nguồn: vnexpress