Chuyên gia: COVID-19 năm nay có thể còn tệ hơn năm 2020

ngày 15/01/2021

Báo South China Morning Post hôm 15-1 đưa tin một nhóm chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã cảnh báo rằng tác động toàn cầu của đại dịch COVID-19 trong năm nay có thể tồi tệ hơn nhiều so với năm 2020.

Trong nghiên cứu được công bố vào ngày 8-1 trên tạp chí Disease Surveillance, giáo sư Xu Jianguo - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - cho biết: “Khó có thể lường trước được sự phát triển của đại dịch, nhưng ước tính số bằng mô hình hóa có thể cung cấp một số thông tin hữu ích".

Nhóm nghiên cứu dự đoán số người chết do COVID-19 có thể tăng từ mức dưới 2 triệu người vào ngày 14-1 lên mức 5 triệu người vào đầu tháng 3.

Theo số liệu từ ĐH Johns Hopkins (Mỹ), tỉ lệ tử vong toàn cầu do COVID-19 hiện tại là 2,1%. Con số tử vong tăng lên 5 triệu người sẽ tương ứng với tỉ lệ tử vong là 3% - tương đương với mức ở Vũ Hán khi các bệnh viện bị quá tải hồi đầu đại dịch.

Chốt kiểm dịch COVID-19 ở phía đông bắc thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu tính đến hiện tại là hơn 93 triệu người, nhưng con số đó có thể tăng lên 170 triệu người vào đầu tháng 3. Theo ước tính của ông Xu, Mỹ có thể vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong trường hợp xấu nhất, số ca nhiễm ở Mỹ có thể lên tới 32 triệu người, tức khoảng 20% tổng số ca trên thế giới.

Đồng thời, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy virus SARS-CoV-2 đang phát triển giống như virus bệnh cúm.

Nếu virus này thích nghi được với cơ thể người như cách virus cúm hoạt động, nó có thể xuất hiện trở lại vào mỗi mùa và nhiều người mang virus sẽ không có triệu chứng.

Mặc dù một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, đã triển khai các chương trình tiêm chủng hàng loạt, các nhà nghiên cứu vẫn kêu gọi Trung Quốc chờ đợi thời điểm thích hợp.

Họ cho rằng khi virus đột biến, các biến thể có thể sử dụng các kháng thể do vaccine tạo ra làm mồi nhử để đánh lừa hệ thống miễn dịch của con người và xâm nhập vào tế bào vật chủ dễ dàng hơn, khiến bệnh tình càng trở nên trầm trọng hơn.

“Ở những khu vực có ít hoặc không có ca bệnh, không cần thiết phải triển khai tiêm chủng quy mô lớn”- các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu cho hay.

Một nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur Thượng Hải cho rằng nếu 5 triệu người chết do COVID-19 vào tháng 3, điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu: “Mọi người chết hàng loạt khi họ không nhận được sự chăm sóc cơ bản nhất trong bệnh viện".

Ông Benjamin Neuman, giáo sư sinh học tại ĐH Texas A&M, nhận định rằng với ý thức chung, các biện pháp phòng ngừa phù hợp và chương trình vaccine hiệu quả như hiện tại, tổng số sẽ không thể lên tới 3 triệu ca tử vong.


Nguồn: t/h