Chữa nấc do nhiễm lạnh từ nụ hoa đinh hương

ngày 23/10/2021

Đinh hương không chỉ là gia vị thông dụng mà còn là một vị thuốc quý. Sử dụng đinh hương điều trị nấc là một kinh nghiệm lưu truyền và ghi chép trong nhiều sách thuốc cổ.

Đinh hương - vị thuốc quý

Đinh hương thuộc họ Sim, tên khác là tử hương. Nụ hoa đinh hương (bộ phận dùng chủ yếu của cây) được thu hái vào lúc nụ bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu hồng đỏ, để cả cuống hoặc ngắt bỏ, phơi âm can hoặc sấy nhẹ đến khô. Chớ hái muộn nụ hoa đã hé mở hoặc quả non chớm hình thành, vì lúc này chất lượng dược liệu giảm nhiều.

Dược liệu có hình cái đinh, dài 1-2cm, phần trên là cánh hoa chụm lại thành hình cầu bao bọc rất nhiều nhị, phần dưới là đài hoa hình trụ, thót hẹp dần. Mặt ngoài màu nâu hồng hoặc nâu tía, có những vằn nhỏ, chất cứng, bẻ ra có dầu, mùi thơm hắc.

Trong y học cổ truyền, đinh hương có vị cay, tê, mùi thơm đặc trưng, tính ấm, có tác dụng kích thích, làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, làm săn, tiêu sưng… được sử dụng làm thuốc "ôn lý" (làm ấm, để chữa các chứng Hàn).

Liều dùng 2-5g sắc uống.

Nụ hoa đinh hương chữa chứng nấc do lạnh

Nguyên nhân gây nấc

Nấc gây ra bởi sự co thắt của cơ hoành (cơ ngăn cách ngực với bụng). Những cơn co thắt này có thể do rối loạn dây thần kinh phế vị. Nếu nấc kéo dài nhiều giờ, đó có thể do tổn thương thực thể, do một bệnh lý khác hình thành.

Đông y cho rằng, nguyên nhân gây nấc do ngoại cảm tà khí, cảm phải thời tiết khí hậu hoặc do nội thương trong cơ thể; cũng có thể nấc do ăn uống không điều hòa, khí ở dạ dày ngược lên trên.

- Nấc do nhiễm lạnh thường có tiếng trầm, về chiều tiếng nấc nặng hơn và liên tục, kèm theo những biểu hiện như chân tay lạnh.

- Nấc do nhiệt thịnh, tiếng nấc to, mạnh, kèm theo những biểu hiện của chứng nhiệt (nóng).

- Nấc do nội thương, cơ thể suy yếu, tiếng nấc yếu, nhẹ, không liên tục, kèm theo biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ.

Vị thuốc đinh hương được đưa vào sử dụng

Cách sử dụng đinh hương chữa nấc

Cách 1: Đinh hương (5-7 nụ), cho vào miệng nhai nát, từ từ nuốt dần nước, cuối cùng nuốt bã. Thông thường sau khi nhai một lát sẽ hết nấc.

Cách2: Đinh hương 2g, vỏ quít 10g, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 50g; 3 vị đinh hương, vỏ quít và gừng sắc lấy nước thuốc bỏ bã. Cho gạo vào nấu cháo; chia ra ăn trong ngày.

Cách 3: Đinh hương, thị đế (tai quả hồng), liều lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 3g.

Lưu ý :

Đinh hương là loại thuốc cay ấm, thích hợp với các chứng hư hàn, không thích hợp với các chứng thực nhiệt; thích hợp với chứng nấc do hàn, không dùng chữa chứng nấc do nhiệt.

Đối với các chứng nấc do "khí trệ", "đàm tích", cơ thể hư nhược, có thể sử dụng đinh hương gia thêm một số vị thuốc khác dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Đinh hương hơi độc nên chỉ sử dụng với liều nhỏ và không nên sử dụng dài ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ đinh hương- Dùng độc vị

Bài 1: Đinh hương tán thành bột thật mịn, trộn với nước mía ép và nước cốt gừng làm thành viên to bằng hạt hạt sen; ngày dùng 3 viên, ngậm trong miệng và nuốt dần. Dùng trong trường hợp nôn, buồn nôn do nhiễm lạnh.

Bài 2: Đinh hương 14 nụ, nấu với 100ml rượu trắng, đun cạn còn khoảng 40ml, uống khi thuốc còn ấm; Hoặc có thể sắc nước uống. Dùng trong trường hợp tiêu chảy, miệng nôn chôn tháo.

Bài 3: Bột đinh hương 3g, hòa với nước gừng uống. Dùng trong trường hợp đầy bụng khó tiêu.

- Dùng phối hợp với các vị thuốc khác

Bài 1: Đinh hương 2g, sa nhân 6g, bạch truật 12g, tán bột, uống mỗi lần 2-4g. Ngày 2-3 lần. Công dụng: Chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thổ tả.

Bài 2: Đinh hương giã nhỏ, ngâm với cồn, càng lâu càng tốt, rồi tẩm vào bông, chấm vào chỗ răng đau. Công dụng: Chữa sâu răng, đau răng

Bài 3: Đinh hương 1 phần, đọt cây dứa dại 2 phần, giã nát, đắp và băng vào nơi tổn thương. Công dụng: Chữa đinh râu

Bài 4: Tinh dầu đinh hương, tinh dầu bạch đàn, trần bì, hạt mùi, menthol, natri bicarbonate, acid citric, trộn đều, làm viên. Mỗi lần dùng 2g cho vào nước sôi rồi xông họng. Có thể ngậm xúc miệng, chữa viêm nhiễm đường hô hấp, viêm xoang.

Bài 5: Đinh hương 20g, long não 12g, cồn 90 độ 250ml. Ngâm 7-10 ngày. Lọc bỏ bã. Khi dùng, lấy bông thấm thuốc bôi, rồi nắn bóp nơi đau nhức. Ngày 2 lần. Công dụng: Chữa phong thấp, đau nhức xương, chân tay lạnh.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//chua-nac-do-nhiem-lanh-tu-nu-hoa-dinh-huong-169211022110019579.htm