Caffeine - những ai không nên dùng?

ngày 25/11/2022

Caffeine giúp chống lại cơn buồn ngủ tức thì. Tuy nhiên, giống như với hầu hết các loại thuốc hoặc dược phẩm khác, caffeine cũng có tác dụng phụ và chống chỉ định.

1. Caffein là gì?

Caffeine là một chất hóa học được tìm thấy trong khoảng 60 loại thực vật, chủ yếu là cây ca cao, trà và hạt cà phê. Caffeine cung cấp tác dụng kích thích trong đồ uống, các sản phẩm thực phẩm và thuốc với các mức độ hiệu lực khác nhau. Caffein cũng là thành phần phổ biến trong một số loại thuốc giảm đau nhức đầu, giảm cân, và các loại nước tăng lực.

Caffeine hoạt động theo nhiều cách để đạt được tác dụng kích thích. Nó làm tăng chuyển hóa năng lượng trong não, kích hoạt các tế bào thần kinh noradrenaline, ảnh hưởng đến việc giải phóng dopamine và tác động lên các tế bào thần kinh serotonin thông qua methylxanthine.

Caffein là thành phần phổ biến trong nhiều loại đồ uồng và một số loại thuốc.

Những tác dụng tích cực của caffeine, bao gồm:

Tăng sự tỉnh táo tinh thần
Tăng năng lượng
Cải thiện tâm trạng
Cải thiện chức năng nhận thức...

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt caffein để sử dụng trong điều trị chứng ngưng thở ở trẻ sinh non và phòng ngừa cũng như điều trị chứng loạn sản phế quản phổi ở trẻ sinh non. Việc sử dụng caffein không được FDA chấp thuận để điều trị chứng đau nửa đầu và tăng cường thành tích thể thao, đặc biệt là trong các môn thể thao sức bền.

Caffeine cũng đang được nghiên cứu về hiệu quả trong điều trị trầm cảm và suy giảm nhận thức thần kinh, cũng như những triệu chứng đã thấy ở bệnh Alzheimer và Parkinson.

Tiêu thụ caffein tương đối an toàn với số lượng hạn chế. Vấn đề là nhiều người hiện nay đang tiêu thụ đồ uống năng lượng cao có chứa một lượng lớn caffein, có thể dẫn đến các tác động tiêu cực...

2. Tác dụng phụ của caffeine

Giống như với hầu hết các loại thuốc hoặc dược phẩm đều có nguy cơ phát triển các tác dụng phụ liên quan và caffein cũng không ngoại lệ. Các tác dụng phụ của caffein từ nhẹ đến nghiêm trọng thậm chí gây tử vong và thường liên quan đến liều lượng tiêu thụ và độ nhạy cảm của một cá nhân.

Các tác dụng phụ phổ biến, bao gồm:

Nhẹ: Lo lắng, bồn chồn, mất ngủ, đỏ bừng mặt, đi tiểu nhiều, co giật hoặc run cơ, khó chịu, kích động, nhịp tim tăng hoặc không đều, rối loạn tiêu hóa...
Nghiêm trọng: Mất phương hướng, ảo giác, rối loạn tâm thần, co giật, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ, tiêu cơ vân...

Caffeine cũng có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện nếu người đang dùng thường xuyên dừng đột ngột. Các triệu chứng này thường bắt đầu từ 12 đến 24 giờ kể từ lần tiêu thụ cuối cùng, cao nhất trong 1 đến 2 ngày và có thể kéo dài đến 1 tuần. Do đó, cần giảm lượng tiêu thụ từ từ...

3. Những ai không nên sử dụng caffeine?

Mặc dù không có chống chỉ định tuyệt đối với caffein, nhưng có một số tình trạng y tế cần thận trọng, bao gồm:

3.1 Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai nên hết sức thận trọng với caffein vì uống quá nhiều có thể dẫn đến sẩy thai và các biến chứng trước khi sinh khác. Caffeine hòa tan trong nước và dễ dàng đi qua nhau thai qua đường máu. Do là một chất kích thích, caffeine có thể làm tăng nhanh nhịp tim và sự trao đổi chất của thai nhi.

Không có bằng chứng cho thấy caffein làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã kết luận rằng tiêu thụ nhiều caffein trong thời kỳ mang thai có thể liên quan đến cân nặng khi sinh thấp hơn do hạn chế tăng trưởng trong tử cung, tăng nguy cơ sảy thai chứ không phải sinh non. Tuy nhiên, bằng chứng liên quan đến cân nặng khi sinh thấp hơn và sảy thai hiện chưa thuyết phục và đang chờ điều tra thêm. Caffeine cũng được coi là thuốc nhóm C khi mang thai.

Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng caffeine.

3.2 Bà mẹ đang cho con bú

Các bà mẹ đang cho con bú cũng không nên uống nhiều hơn hai tách cà phê mỗi ngày vì ảnh hưởng trực tiếp đến em bé bằng cách gây khó chịu về thể chất cũng như có thể ảnh hưởng đến hàm lượng sắt ở trẻ sơ sinh. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng caffeine.

3.3 Người bệnh tăng huyết áp

Những người bị tăng huyết áp nên thận trọng về lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày. Caffeine được biết là có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh ở những người có nhịp tim không đều. Nếu bị tăng huyết áp hoặc có vấn đề về tim mạch, tốt hơn hết nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng caffeine như thói quen hàng ngày của mình.

3.4 Người mắc bệnh loãng xương

Tiêu thụ caffeine với số lượng lớn cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Tác dụng này đã được chứng minh ở phụ nữ cao tuổi. Caffeine cản trở sự hấp thụ canxi, dẫn đến loãng xương. Tiêu thụ quá nhiều caffeine cũng có thể gây ra đau nhức cơ bắp và co giật, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ khía cạnh này. Vì vậy, nên tránh caffeine nếu bị thiếu canxi, vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

3.5 Người bệnh tiểu đường

Nếu bị bệnh tiểu đường loại 2, có thể cân nhắc việc hạn chế lượng caffeine nạp vào cơ thể. Caffeine có thể làm giảm chuyển hóa glucose, làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định giới hạn caffeine tiêu thụ hàng ngày.

3.6 Các bệnh lý khác

Ngoài ra những người đang mắc các bệnh lý sau cũng cần thận trọng khi sử dụng caffeine:

Trầm cảm, rối loạn lo âu
Bệnh tim mạch hoặc rối loạn nhịp tim có triệu chứng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Suy gan
Suy thận
Động kinh

4. Dị ứng caffeine

Dị ứng với caffein rất hiếm gặp, nhưng một số người có thể phát triển quá mẫn có thể gây ra các triệu chứng dị ứng, như phát ban và đau.

Nếu gặp những phản ứng như vậy, tốt hơn là nên dừng uống caffein và tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ nếu vấn đề vẫn tiếp diễn.

Caffeine cũng là một loại thuốc. Giống như các loại thuốc khác, caffeine cũng có thể ảnh hưởng đến mọi người theo các cách khác nhau. Luôn nhớ rằng bất kỳ tình trạng sức khỏe nào đã có từ trước đều có thể làm tăng thêm tác động tiêu cực của caffeine. Vì vậy, việc nắm rõ tình trạng cơ thể, tiền sử bệnh và chế độ ăn hàng ngày là rất quan trọng.

Nguồn: suckhoedoisong.vn