Các bệnh về da hay gặp ở phụ nữ tuổi ngoài 40 và cách chăm sóc

ngày 11/11/2022

Sau tuổi 40, phụ nữ thường gặp các dấu hiệu da chảy xệ, nếp nhăn hay tăng sắc tố. Các dấu hiệu lão hóa da sẽ trở nên rõ rệt bởi nồng độ estrogen giảm dần.

Estrogen thấp cũng dẫn đến sự mất collagen, đến khi 40 tuổi, da phụ nữ trở nên mỏng và ít đàn hồi hơn do collagen bị phá vỡ. Ở tuổi này tình trạng da khô, nám, tàn nhang, đồi mồi… là điều không tránh khỏi.

Các bệnh thường gặp về da khi phụ nữ tuổi ngoài 40

Da chảy xệ, khô

Nội tiết tố thay đổi có thể khiến cho da trở nên khô ráp hơn. Khi thời tiết hanh khô da trở nên thiếu nước và dễ dàng bị tổn thương phá hỏng các liên kết collagen và elastin, do đó gia tăng tình trạng da nhanh bị khô, nẻ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng da chảy xệ là lão hóa, tuổi tác, giảm cân, thai kỳ. Ảnh minh họa

Các vùng da phổ biến dễ bị chảy xệ là: Mí mắt, cằm, cổ, bắp cánh tay, vùng bụng, vùng mông... Nguyên nhân gây ra tình trạng da chảy xệ là lão hóa, tuổi tác, giảm cân, thai kỳ…Theo thời gian, da sẽ mất đi hai loại protein được sản xuất trong lớp hạ bì là elastin và collagen. Trong đó, elastin mang lại độ đàn hồi cho da, giúp làn da săn chắc. Collagen bao gồm các sợi cấu trúc chặt chẽ, giúp da duy trì cấu trúc và độ săn chắc.

Sau khi mang thai và sinh con, đa số phụ nữ đều bị da chảy xệ và chùng nhão quanh vùng bụng, ngực, mông. Một số bệnh lý cũng có thể khiến da chảy xệ.

Vết sắc tố lão hóa

Melanin được xem như là nguyên nhân chính hình thành các vết đốm, sạm trên da. Khi lượng melanin được sản xuất quá mức bởi các yếu tố như tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố hay lão hóa sẽ gây ra một số tình trạng liên quan đến sắc tố da đó là tăng sắc tố, giảm sắc tố và mất sắc tố.

Melanin cũng là yếu tố quyết định màu da tự nhiên, cũng như độ rám nắng của da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Melanin là sắc tố tự nhiên có tác dụng kiểm soát màu da và nó được cơ thể tiết ra để bảo vệ da khỏi tia UV - là nguyên nhân có thể dẫn đến sạm, hay rối loạn sắc tố da. Tia UV có thể xuyên qua lớp biểu bì da và kích thích tế bào sắc tố da (melanocytes).

Hơn nữa, nguy cơ tăng sắc tố sẽ tăng lên khi xuất hiện lão hóa tế bào và thường ảnh hưởng đến các khu vực tiếp xúc nhiều nhất với ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời và tuổi tác là nguyên nhân chính của việc gây ra các đốm sắc tố trên vùng da tiếp xúc trực tiếp. Những đốm đen trên da này còn được gọi là tàn nhang, đồi mồi.

Mụn thịt

Mụn thịt chính là các Keratin (dạng Protein có nhiều trong các mô da, mô tóc hay móc) không thể đào thải ra ngoài, ứ đọng lâu ngày trong lỗ chân lông sẽ gây nên. Mụn thịt phổ biến ở vùng mắt, má, môi và cổ. Phần lớn, tình trạng này sẽ gây không đau đớn, nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ, ngứa ngáy. Khác với các bệnh lý về da thông thường như mụn viêm, mụn đầu trắng,... loại mụn này sẽ không có khả năng tự mất đi, thuyên giảm.Theo thời gian, vùng da bị mụn sẽ sần sùi, chuyển màu đen sạm và khô hơn so với bình thường.

Nám da

Ở phụ nữ, vùng nám thường xuất hiện ở hai bên gò má,mũi, cằm hoặc trán. Có rất nhiều nguyên nhân gây nám da như: ánh sáng mặt trời, nội tiết tố, di truyền, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, kém chất lượng…

Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ ngoài 40 tuổi dễ bị nám. Collagen có vai trò quan trọng đối với tế bào da, giúp các mô liên kết với nhau và tạo tính đàn hồi cho da. Thông thường, từ độ tuổi 25 trở đi, làn da của phái nữ hay gặp phải các vấn đề về lão hóa, nám da.

Khi ra nắng nám thường đậm màu hơn. Các vùng da, đặc biệt da mặt có màu nâu vàng, nâu đậm không đồng nhất, xuất hiện thành từng chấm nhỏ hoặc thành từng đám sậm màu. Các vị trí hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, cánh tay… là các vị trí thường hay bị nám da. Đặc biệt là nám da trên mặt thường đối xứng hai bên.

Chăm sóc da cho tuổi sau 40 để hạn chế da gặp rắc rối là việc làm cần thiết và thường xuyên

Cách chăm sóc da cho phụ nữ ngoài 40 tuổi

Chăm sóc da cho tuổi sau 40 để hạn chế da gặp rắc rối là việc làm cần thiết và thường xuyên, vậy bạn cần áp dụng như nào?

Thường xuyên làm sạch da bằng sữa rửa mặt kể cả mỗi sáng mai thức giấc. Chú ý vùng da dưới mắt là vùng nhạy cảm, hay để lại quầng thâm, nếp nhăn nên cần được chăm sóc kỹ hơn.
Bổ sung các loại vitamin C, E để làm sáng da, chống oxy hóa và tia cực tím cũng như ngăn ngừa các đốm tắng sắc tố.
Sử dụng kem giữ ẩm cho da phù hợp với chất da của mình để ngăn ngừa mất nước, chống lại lão hóa da.
Bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 25 phổ rộng trở lên mỗi ngày, kể cả mùa đông không có nắng.
Tẩy tế bào chết cho da 2 tuần/lần. Massage da đúng cách, đều đặn.
Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. Cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên. Chọn các thực phẩm đem lại lợi ích cho da như trái tươi cây, sinh tố hoa quả, sữa chua , rau xanh…
Tạo thói quen kiểm tra sức khỏe của da tại phòng khám bác sĩ da liễu 6 tháng/lần.

Nguồn: suckhoedoisong.vn