Những lưu ý cần thiết khi thực hiện mát xa trong thai kỳ

ngày 16/12/2022

Mát xa trong thời kỳ mang thai có thể giúp phụ nữ giảm lo lắng, căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm buồn nôn, ốm nghén và giảm đau đầu. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn có những hạn chế và lưu ý cần thiết trước khi thực hiện.

1. Trường hợp nào không nên mát xa khi mang thai

Với phụ nữ, mỗi lần mang thai đều có những cảm giác khác nhau do sự phát triển của thai nhi khác nhau. Tuy nhiên, khi thai càng lớn, cảm giác khó chịu, nặng nề sẽ càng tăng lên. Mát xa khi mang thai là một trong số những biện pháp thiết kế riêng cho bà bầu, có thể giúp làm giảm một số triệu chứng khó chịu và giảm đau, giảm phù nề, cải thiện chất lượng giấc ngủ, thư giãn, giảm căng thẳng... Nhưng cần lưu ý một số trường hợp không nên thực hiện để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

1.1 Phụ nữ trong ba tháng đầu của thai kỳ

Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, phụ nữ có thể bắt đầu massage bất cứ lúc nào trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, nếu thực hiện mát xa trong 3 tháng đầu sẽ gây nguy cơ cao xảy ra các cơn co thắt tử cung, sẩy thải do tình trạng lưu lượng máu tăng lên.

1.2 Mắc một số bệnh lý

Trước khi thực hiện mát xa trong thời kỳ mang thai, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, nếu mẹ bầu có bất kỳ tình trạng nào trong số này:

Huyết áp cao không được kiểm soát bằng thuốc.
Những lo ngại về thai kỳ có nguy cơ cao như tiền sản giật hoặc bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây.
Ghép tạng gần đây.
Giảm tiểu cầu.
Rối loạn chảy máu.
Loãng xương, gãy xương.
Huyết khối tĩnh mạch sâu...

Mát xa cho phụ nữ mang thai cần chú ý không thực hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ.

2. Những điều cần tránh khi thực hiện mát xa cho phụ nữ mang thai

2.1 Tránh xoa bóp một số điểm áp lực

BS. Monique Rainford, Đại học sản phụ khoa Hoa Kỳ cho biết, xoa bóp một số điểm áp lực trên cơ thể có thể bắt đầu các cơn co thắt chuyển dạ gây sinh non. Vì lý do này, việc thực hiện mát xa cần được đặc biệt chú ý để tránh gây bất trắc cho thai phụ.

2.2 Không xoa bóp khi bị suy tĩnh mạch

Với phụ nữ mang thai, không nên thực hiện xoa bóp trên các tĩnh mạch bị giãn vì chúng có thể là dấu hiệu của cục máu đông. Nếu chân bị sưng hoặc có dấu hiệu giãn tĩnh mạch, nên tránh xoa bóp chân.

2.3 Khi có cục máu đông

Khi mang thai, lượng máu của thai phụ tăng lên đáng kể và máu lưu thông chậm hơn bình thường. Mức độ chống đông máu - yếu tố ngăn ngừa chảy máu - tăng lên một cách tự nhiên để chuẩn bị cho việc ngăn ngừa xuất huyết trong và sau khi chuyển dạ.

Những thay đổi tuần hoàn này làm cho người mang thai có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn. Do đó, sử dụng áp lực rất mạnh và xoa bóp mô sâu có thể đánh bật cục máu đông, dẫn đến các biến chứng thai kỳ nguy hiểm.

Chính vì vậy, xoa bóp khi mang thai nên thực hiện nhẹ nhàng, không nên xoa bóp mô sâu hay bấm huyệt...

2.4 Không mát xa vùng bụng

Bụng thường không được xoa bóp trong quá trình xoa bóp khi mang thai, do gây nguy cơ co bóp tử cung, sinh non.

Không mát xa vùng bụng cho phụ nữ mang thai.

3. Sửa đổi tư thế mát xa trong thai kỳ

Mặc dù mát xa trong thai kỳ được thiết kế dành cho phụ nữ đang mang thai, nhưng trải nghiệm mang thai không giống nhau đối với mỗi người, nên việc mát xa cần thay đổi cho phù hợp. Chẳng hạn với các trường hợp sau:

3.1 Ốm nghén

Theo Hiệp hội trị liệu xoa bóp Hoa Kỳ, xoa bóp có thể giúp giảm buồn nôn do ốm nghén. Các điều chỉnh trong kỹ thuật để giảm buồn nôn bao gồm nâng cao phần trên cơ thể của phụ nữ mang thai và tránh các động tác xoa bóp gây rung hoặc lắc.

3.2 Ợ nóng

Giữ cơ thể bà bầu ở tư thế nghiêng có thể giúp ngăn ngừa chứng trào ngược (tình trạng phổ biến khi mang thai). Nguyên nhân do khi nằm nghiêng, vùng bụng dưới được nâng đỡ có thể làm giảm căng thẳng từ cơ vòng dạ dày, khu vực xảy ra trào ngược.

Nằm nghiêng là tư thế thích hợp để thực hiện mát xa trong thai kỳ.

4. Cách mát xa trong thai kỳ tại nhà

Khi thực hiện mát xa, nằm nghiêng là vị trí thích hợp nhất cho bà bầu. Khi thực hiện tại nhà cần sự trợ giúp của người chồng hoặc người thân với các động tác vuốt, lướt nhẹ nhàng để thư giãn mô mềm, tránh ấn sâu. Cụ thể:

4.1 Nhẹ nhàng chà xát bàn chân

Có thể sử dụng thêm dầu hoặc kem dưỡng để dưỡng da và tạo độ mềm mại khi thực hiện động tác. Sau đó, có thể thực hiện liên hoàn các động tác:

Người thực hiện mát xa dùng tay xoay thành những vòng tròn nhỏ di chuyển từ các ngón chân ở lòng bàn chân về phía mắt cá chân.
Sử dụng hai ngón tay cái để tạo các vòng tròn nhỏ dưới các ngón chân ở hai bàn chân và di chuyển ngón tay cái lên xuống trên gót chân.
Nhẹ nhàng kéo từng ngón chân và chà xát ngón tay cái hoặc ngón trỏ giữa chúng.

Nhẹ nhàng mát xa chân giúp phụ nữ mang thai thư giãn.

4.2 Xoa lưng

Phụ nữ mang thai nằm ngửa hoặc nghiêng để người thực hiện vuốt lưng bằng cả hai tay, tập trung vào các cơ ở hai bên cột sống.

4.3 Xoa vai

Dùng lòng bàn tay hoặc các đầu ngón tay ấn nhẹ xuống cổ. Lướt giữa đỉnh vai và cột sống cổ.

4.4 Mát xa da đầu

Dùng tay mát xa xung quanh da đầu từ trước ra sau, từ sau ra trước giúp thư giãn, ngăn ngừa rụng và kích thích mọc tóc.

Nguồn: suckhoedoisong.vn