Những dấu hiệu phát hiện sớm bệnh nhồi máu cơ tim

ngày 04/11/2019

Hằng năm, nước ta có hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu sống bằng phương pháp tim mạch can thiệp nhờ đến viện sớm.

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Nhiều người chủ quan cho rằng, chỉ khi đột ngột đau ngực và ngã ra mới là nhồi máu cơ tim. Thực ra không phải vậy, nhiều người chỉ có những cơn đau ngực rất nhẹ hoặc cảm thấy khó chịu ở dưới xương ức. Các dấu hiệu này có thể thoáng qua rồi lại bình thường ngay nên không chú ý. Có người nhồi máu cơ tim nhưng không nhận thấy triệu chứng này cho đến khi có những triệu chứng đau khác xảy ra.

Người dân cần đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu đau ngực

Theo bác sĩ, triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực và cơn đau thường ở giữa xương ức, kéo dài trong một vài phút.

Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và đau lại, làm chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở.

Khi có biểu hiện này xuất hiện, người dân hãy đến một bệnh viện gần nhất hoặc đến BV có chuyên khoa Tim mạch để thăm khám sớm. Hiện, nước ta có hơn 55 trung tâm tim mạch can thiệp ở hơn 20 tỉnh thành trong toàn quốc. Khi nhồi máu cơ tim, người dân nên đến những trung tâm tin mạch can thiệp để được thăm khám, điều trị.

Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả người trẻ cũng có nguy cơ, đặc biệt là những người đã bị nhồi máu cơ tim rất dễ bị lại.

Những bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực, hoặc có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim là những người có dễ bị nhồi máu cơ tim.

Hiện nay, các phương pháp tim mạch can thiệp có thể giúp mở thông lại động mạch vành, giúp lập lại dòng máu và cứu sống bệnh nhân. Phương pháp có hiệu quả nhất nếu làm trong giờ đầu tiên sau khi có nhồi máu hoặc ít hơn 6 tiếng sau nhồi máu. Nếu chậm trễ hơn mỗi giờ sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh.

Chính vì vậy, để ngăn chặn nhồi máu cơ tim xảy ra, người bệnh nên nhớ đến viện sớm nhất có thể khi có đau ngực nghi do nhồi máu cơ tim


Nguồn: Báo CAND