Lưu ý khi dùng thuốc điều trị đau thần kinh tọa

ngày 04/03/2022

Đau thần kinh tọa là bệnh thường gặp biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: Đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá và các ngón chân.

1. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa thường gặp ở lứa tuổi lao động 30 - 50 tuổi. Trước kia tỷ lệ nam cao hơn nữ, song nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn nam.

Nguyên nhân thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm (thường gặp nhất là đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng); trượt đốt sống; thoái hóa cột sống thắt lưng gây hẹp ống sống thắt lưng.

Ngoài ra, các nguyên nhân hiếm gặp hơn là viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn, u), chấn thương, mang thai…

2. Điều trị đau thần kinh tọa

Điều trị đau thần kinh tọa theo nguyên nhân gây đau. Nguyên tắc điều trị đau thần kinh tọa là giúp người bệnh giảm đau và phục hồi vận động nhanh.

2.1. Sử dụng thuốc chữa đau thần kinh tọa

Điều trị thuốc giúp người bệnh giảm đau và nhanh chóng hồi phục vận động. Các thuốc thường dùng trong điều trị đau thần kinh tọa là thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh và các thuốc vitamin nhóm B.

Đau thần kinh tọa hay còn gọi là đau thần kinh hông to.

2.2. Tiêm ngoài màng cứng

Trường hợp sử dụng thuốc không cải thiện tình trạng đau, người bệnh có thể được chỉ định tiêm corticosteroid ngoài màng cứng.

2.3. Vật lý trị liệu

Đối với đau thần kinh tọa, vật lý trị liệu giúp rút ngắn thời gian điều trị.

Mát xa liệu pháp
Thể dục trị liệu bao gồm những bài tập kéo giãn cột sống, bơi, một số bài tập cơ lưng giúp tăng cường sức mạnh cột sống.
Đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.

2.4. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị bằng các phương pháp trên không mang lại hiệu quả hoặc những trường hợp có chèn ép nặng, teo cơ. Tùy vào tình trạng và nguyên nhân gây đau thần kinh tọa mà sử dụng phương pháp phẫu thuật khác nhau như nội soi, sóng cao tần, vi phẫu hoặc mổ hở hoặc làm vững cột sống.

Bên cạnh đó, để điều trị đau thần kinh tọa, người bệnh cần kết hợp chế độ nghỉ ngơi phù hợp, nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng, ngồi lâu một tư thế.

Điều trị thuốc giúp người bệnh giảm đau và nhanh chóng hồi phục vận động.

3. Các thuốc điều trị đau thần kinh tọa 3.1. Thuốc giảm đau

Những loại thuốc này thường hữu ích khi giảm đau cấp tính, có tác dụng trong thời gian ngắn. Tùy mức độ đau mà sử dụng một hoặc phối hợp các loại thuốc giảm đau sau đây:

- Thuốc giảm đau: Paracetamol là loại thuốc giảm đau phổ biến nhất. Trường hợp đau nhiều, có thể dùng paracetamol kết hợp với codein hoặc tramadol.

Dù là thuốc giảm đau được sử dụng rộng rãi nhưng paracetamol không dùng được cho người mẫn cảm với thuốc, người suy gan, suy thận.Cần lưu ý tuân thủ liều dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh quá liều gây độc cho gan.

-Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID):Các thuốc thường dùng như ibuprofen, naproxen, diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib, etoricoxib…

Để giảm bớt tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, người bệnh nên uống thuốc vào bữa ăn và uống kèm nhiều nước.

Với những người già yếu, tiền sử bệnh dạ dày, khi điều trị nên phối hợp với một thuốc bảo vệ dạ dày nhóm ức chế bơm proton.

Các thuốc ức chế chọn lọc COX2 như celecoxib… không được dùng trên bệnh nhân có tiền sử tim mạch và cần thận trọng hơn khi sử dụng ở người cao tuổi.

Trường hợp đau nhiều có thể cần phải dùng đến thuốc giảm đau mạnh hơn theo chỉ định của bác sĩ.

3.2. Thuốc giãn cơ

Tolperisone hoặc eperisone thường được dùng để điều trị đau thần kinh tọa nguyên nhân do co thắt cơ. Thuốc có thể gây cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, khô miệng và giảm huyết áp.

3.3. Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Thuốc giúp giảm đau thần kinh. Khi sử dụng để điều trị đau thần kinh tọa, bác sĩ sẽ kê liều thấp hơn liều điều trị trầm cảm. Thuốc nhóm này như amitriptyline, nortriptyline.

Tác dụng phụ thường gặp bao gồm khô miệng, táo bón, tăng hoặc giảm cân, huyết áp thấp, phát ban, tăng nhịp tim.

3.4. Thuốc chống động kinh

Gabapentin, pregabalin là hai thuốc thuộc nhóm này, có tác dụng giảm đau do sự chèn ép các dây thần kinh tọa gây ra. Lưu ý cần duy trì dùng thuốc trong 3 - 4 tuần ngay cả khi cơn đau đã hết.

Tác dụng phụ thường gặp là buồn ngủ, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, run, phát ban và tăng cân.

3.5. Các vitamin nhóm B

Các vitamin B1, B6, B12 được dùng để hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa.

4. Phòng ngừa đau thần kinh tọa

Để phòng ngừa đau thần kinh tọa, mỗi người cần lưu ý:

Giữ tư thế cột sống thẳng khi ngồi lâu hoặc lái xe, có thể mang đai lưng hỗ trợ.
Duy trì cân nặng hợp lý.
Thay đổi lối sống lành mạnh: vận động thường xuyên, bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm giàu magie, các vitamin nhóm B như B1, B6 và B12.
Tránh mang vác nặng, sai tư thế, các động tác mạnh đột ngột.
Luyện tập yoga hoặc bơi lội giúp tăng sức bền và sự linh hoạt khối cơ lưng.

DS. Ngô Thị Minh Tâm

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//luu-y-khi-dung-thuoc-dieu-tri-dau-than-kinh-toa-169220304115112988.htm