Giải pháp thực phẩm cho tương lai?
Theo các nhà khoa học, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm tốt hơn thịt tự nhiên, không chỉ bởi việc sản phẩm không chứa kháng sinh mà còn có thể được bổ sung vitamin hay sắt hoặc điều chỉnh mùi vị theo ý của khách hàng. Các nhà nghiên cứu công nghệ mới khẳng định đây là thức ăn bền vững về môi trường duy nhất để đáp ứng nhu cầu về thịt, mà theo dự đoán của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2050.
Bên cạnh lợi ích về môi trường, thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng sử dụng ít tài nguyên đất, nước hơn và an toàn cho người sử dụng so với thịt truyền thống.
Hiện rào cản lớn nhất trong việc đưa thịt nhân tạo vào thương mại là chi phí sản xuất cao và mùi vị của sản phẩm.
Trên thế giới, nhiều nước như Nga, Mỹ, Israel hay Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy các nghiên cứu về thịt nhân tạo, nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm.
Thịt nhân tạo từ tế bào gốc của ngựa
Các nhà khoa học Nga vừa phát triển thành công loại thịt ngựa nhân tạo từ tế bào gốc của ngựa với sự trợ giúp của các lò ấp đặc biệt mà không cần sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác có thể gây hại cho sức khỏe con người
Ông Askar Latyshev, CEO của ArtMeat (đơn vị chủ dự án nghiên cứu), chia sẻ rằng, họ đã lấy các mẫu mô cơ từ những con ngựa non bằng cách sinh thiết, vì có thể tìm thấy số lượng tế bào gốc lớn nhất trong mô cơ để tạo thịt.
Sau khi phân lập, các nhà khoa học đưa vật liệu sinh học vào một lò ấp đặc biệt - kỹ thuật này đảm bảo chế độ nhiệt độ, thành phần của không khí chính xác và cũng cung cấp cho tế bào các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng.
Theo kế hoạch của ArtMeat, phần thịt ngựa đầu tiên được nuôi cấy sẽ xuất hiện trong 3 năm tới. Và để có được một cục thịt hoàn chỉnh như sản phẩm thịt nuôi trồng thông thường, các nhà khoa học có thể phải cần tới 5-6 năm nữa.
Thịt nhân tạo từ tế bào trên mô cơ của bò
Trước đó, vào tháng 10/2019, thông qua phòng thí nghiệm đặc biệt, các nhà khoa học Nga cũng đã sản xuất ra một viên thịt nhân tạo nặng 40g từ tế bào trên mô cơ bắp nhỏ của giống bò "Aberdeen Angus" ở độ tuổi 2-3 ngày.
Cụ thể, các nhà khoa học đã nuôi cấy tế bào gốc từ bắp bò trong thùng chứa vi sinh, tương tự quá trình lên men bia và sữa chua, để giúp các mô cơ mới phát triển. Môi trường nuôi cấy là loại gel đặc biệt bao gồm các axit amin, vitamin, muối, glucose, các yếu tố gắn kết và tăng trưởng.
40g thịt nhân tạo đầu tiên thu được trong điều kiện phòng thí nghiệm có giá 900.000 rúp (khoảng 328 triệu đồng).
Tới năm 2023, số thịt này sẽ xuất hiện trên các sạp thịt ở Nga. Theo tính toán, sau 5 năm nữa một kg thịt bò nhân tạo sẽ có giá bán lẻ vào khoảng 800 rúp (khoảng 290 nghìn đồng).
Sản xuất thịt lợn, thịt gà từ khí CO2
Tháng 11/2019, một công ty khởi nghiệp của Mỹ có tên Air Protein thông báo nắm trong tay công nghệ làm ra thịt từ khí CO2 - loại khí được xem là thủ phạm gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.
Để tạo ra loại thịt từ không khí, Air Protein đã dựa vào vi khuẩn hydrogenotrophic, loại vi khuẩn có thể tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này cũng gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia.
Theo đó, với các bình ủ men có vi khuẩn, các nhà khoa học đưa vào đó khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất. Sản phẩm thu được là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein nhưng không có mùi vị.
Từ nguyên liệu này, sau khi pha chế với những thành phần khác, nhà sản xuất có thể làm ra nhiều thực phẩm khác nhau như thịt lợn, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger,...
Xét về mặt dinh dưỡng, loại thịt từ không khí này được tạo thành với 9 axit amin chính yếu như của "thịt thật". Loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại "thịt chay" có thể gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.
'Trồng' thịt từ tế bào gốc
Ngày 19/2/2012, các nhà khoa học Hà Lan đã sử dụng tế bào gốc để sản xuất ra thịt nhân tạo nhằm thay thế thịt từ gia súc.
Nhóm của giáo sư Mark Post tại Đại học Maastricht, Hà Lan đã "trồng" những dải cơ nhỏ có chiều dài 2cm, rộng 1cm và dày 1 cm.
Chúng có màu trắng và trông giống như những dải thịt mực. Những dải cơ này sau đó sẽ được trộn với huyết thanh và được trồng nhân tạo, băm nhỏ để tạo ra một miếng thịt băm viên kẹp trong một chiếc bánh hamburger.
Chi phí để sản xuất ra miếng thịt này lên tới 200.000 bảng Anh (gần 6 tỷ đồng), song giáo sư Post cho biết giá thành sẽ hạ khi công nghệ sản xuất được cải thiện.
Thịt làm từ rau
Chịu ảnh hưởng từ nhiều phong trào như 'ăn xanh' vì sức khỏe, bảo vệ môi trường và động vật, tại nhiều nước phát triển, nhất là Mỹ, các loại thịt có nguồn gốc thực vật (rau) đang thực sự bùng nổ.
Hãng Beyong Burger bán thực phẩm này tại hơn 35.000 điểm, trong đó có nhiều khu ăn uống tại các siêu thị. Với thành phần chính là đậu, gạo, củ dền,... Beyond Meat không chỉ thơm ngon mà còn có mùi vị, dưỡng chất, “rỉ máu” như những miếng thịt thượng hạng.
"Chúng tôi xác định thịt dựa trên protein, carbohydrate, lipit, khoáng chất và vitamin, tất cả những chất có thể tìm được ở thế giới thực vật", chuyên gia sinh học Rebecca Miller của Beyond Meat nói.
Từ thành công vang dội của Công ty Beyond Meat, nhiều hãng chuyên sản xuất thịt thông thường cũng gia nhập thị trường "thịt chay".