20 năm mất ngủ, người phụ nữ tìm đến các liệu pháp Đông y, sau đó chị tự mua thuốc ngủ uống, dẫn đến kháng thuốc, liều tối đa cũng không thể chợp mắt.
Người phụ nữ 56 tuổi, đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đầu tháng 7, trong tình trạng bứt rứt, khó chịu, run tay chân. Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Phó phòng điều trị tâm thần người già, xác định bệnh nhân mắc chứng mất ngủ độc lập, không rõ nguyên nhân, kèm tác dụng phụ do lạm dụng thuốc ngủ trong thời gian dài, phải nhập viện.
Bệnh nhân cho biết chị không mắc các bệnh lý thần kinh và cơ thể phải dùng thuốc, cũng không gặp vấn đề căng thẳng trong cuộc sống. Hai mươi năm nay, chị chỉ ngủ được 3-4 tiếng một đêm, sau đó dần giảm xuống còn hai tiếng.
Ban đầu, người phụ nữ tìm đến các loại trà thảo dược, tâm sen, dùng nến thơm thắp trong phòng để an thần song tình trạng không cải thiện. Từ đầu năm, chị gần như thức trắng đêm, ban ngày cũng không ngủ được khiến thể trạng mệt mỏi, đau đầu, uể oải. Chị tự mua một loại thuốc ngủ bán trên thị trường về uống, được giới thiệu "ưa dùng trong rối loạn giấc ngủ nhờ tác dụng gây ngủ êm dịu, ít bị lệ thuộc".
Thời gian đầu, chỉ khoảng 15 phút sau uống là vào giấc. Tuy nhiên, càng về lâu, bệnh nhân càng bị lệ thuộc, uống thuốc vẫn cảm thấy khó ngủ. Chị bắt đầu tăng liều cao nhưng vẫn không thể chợp mắt, đồng thời bị hoảng loạn, run chân tay.
Ca bệnh khác là nữ, 30 tuổi, mất ngủ nhiều năm. Sau khi áp dụng mọi phương pháp cải thiện từ các thực phẩm chức năng, giường massage, tiêu tốn hàng chục triệu đồng, chị ra hiệu thuốc và được bán sản phẩm được cho là hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả.
Sau hai tháng dùng thuốc, bệnh nhân xuất hiện các cơn hoảng loạn kèm run tay chân, đến Bệnh viện Tâm thần Mai Hương khám, bác sĩ phát hiện loại thuốc chị tự ý dùng là thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA). Thuốc này khi sử dụng phải có chỉ định, kèm sự theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ do chúng có nhiều tác dụng phụ.
Trường hợp trên chỉ là hai trong hàng chục bệnh nhân đến các cơ sở y tế như Bệnh viện Bạch Mai hoặc Viện Tâm thần Mai Hương khám mỗi ngày do mất ngủ. Nhiều người mất ngủ hàng chục năm, đơn thuần là rối loạn giấc ngủ, không có các triệu chứng khác, sau đó tự ý dùng thuốc, khi vào viện thì tình trạng đã nặng, lệ thuộc vào thuốc, điều trị khó khăn.
Rối loạn giấc ngủ có 4 nhóm thường gặp nhất, bao gồm: Căng thẳng (do áp lực kinh tế, học tập, bệnh lý), sử dụng chất (rượu, ma túy tổng hợp, cần sa, bóng cười), mắc bệnh lý cơ thể như rối loạn liên quan stress, lo âu, trầm cảm; cuối cùng là bệnh mất ngủ không rõ nguyên nhân.
Lạm dụng thuốc ngủ là tình trạng người dân sử dụng thuốc nhưng không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tự sử dụng với liều cao hơn khuyến nghị. Các chuyên gia nhận định hiện người bệnh có xu hướng tìm tới các loại thuốc an thần hơn là liệu pháp tự nhiên, bởi thuốc có tác dụng nhanh, thậm chí ngay tức thì, tác dụng bằng cách ức chế hoạt động thần kinh, từ đó gây buồn ngủ.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, Hội Châm cứu Việt Nam, từng châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, điều chỉnh cắt thuốc ngủ cho nhiều bệnh nhân, cho biết khi sử dụng thuốc an thần, trước tiên sẽ cảm nhận tác dụng với chỉ một liều thấp. Để đạt được cảm giác dễ chịu ban đầu, phải tăng liều dần dần, được gọi là hiện tượng dung nạp thuốc.
"Nhiều thuốc nhóm an thần ở mức độ nhẹ có thể gây ra quá trình dung nạp rất sớm, bởi vậy, người dùng rất dễ dàng bị lệ thuộc thuốc chỉ sau một thời ngắn lạm dụng. Khi muốn ngừng hoặc kiểm soát liều dùng, người dùng sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn", bác sĩ Hải nói.
Thuốc ngủ còn gây rối loạn hoạt động của não bộ bởi chúng tác động trực tiếp tới hệ thần kinh, khiến hệ thần kinh trung ương có thể bị ức chế, rối loạn cảm xúc. Người bệnh có thể bị lo âu, căng thẳng kéo dài, thậm chí trầm cảm. Chưa kể, sử dụng thuốc ngủ không được kiểm soát có thể gây tương tác không mong muốn với các thuốc khác, nguy hiểm tính mạng.
"Nguyên tắc là phải điều trị nguyên nhân, không phải điều trị triệu chứng", ông Hải nói, thêm rằng thay vì tìm hiểu nguyên nhân, thay đổi lối sống để cải thiện giấc ngủ, thì nhiều người chọn cách tự mua thuốc an thần về uống.
Các chuyên gia khuyến cáo thuốc ngủ không phải phương pháp điều trị, chỉ là liệu pháp hỗ trợ. Do vậy, không nên tự ý sử dụng, lạm dụng. Khi có các triệu chứng mất ngủ ảnh hưởng cuộc sống, công việc, nên đi khám sớm.
Người dân cần chú ý chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, thay đổi môi trường làm việc, tránh xa các yếu tố gây stress. Mặt khác, mọi người nên ngủ và thức ở một giờ nhất định. Không nên uống các chất kích thích như cà phê, trà đậm vào buổi tối, thường xuyên tập thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe.
Nguồn: VnExpress
-
Loại nước uống trước bữa ăn trưa giúp cân nặng giảm bất ngờ
-
Phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, TP Vinh phong tỏa nhiều khu vực
-
Chăm sóc da buổi sáng - những điều bạn không nên bỏ qua
-
Khoảng 35-75% trong số người bệnh mắc ung thư đầu mặt cổ bị suy dinh dưỡng
-
Lần đầu tiên ở Việt Nam: Nội soi lấy mảnh gan từ người sống để ghép
-
Hội chẩn khẩn 4 ca Covid-19 nặng, có 1 thuyền trưởng người nước ngoài
-
Những tác hại khôn lường khi nhuộm tóc thường xuyên
-
Video Nhiều người thắp hương khi đến xem rắn bò lên mộ vô danh ở Quảng Bình
-
Trời lạnh, làm sao tránh bị méo miệng
-
Làm thế nào để khắc phục tình trạng lỗ chân lông to?