Chế độ ăn cho trẻ dậy thì muộn

ngày 23/10/2024

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển tuổi dậy thì. Nếu không đủ dinh dưỡng ở các giai đoạn tăng trưởng trẻ sẽ dậy thì muộn.

Dậy thì muộn (hay còn gọi là chậm dậy thì) là tình trạng tuổi dậy thì không bắt đầu vào thời điểm như thông thường. Khi trẻ gái trên 13-14 tuổi và trẻ trai trên 15-16 tuổi vẫn chưa xuất hiện các dấu hiệu của tuổi dậy thì thì xem như dậy thì muộn.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho trẻ dậy thì muộn

Tuổi dậy thì đòi hỏi một quá trình tiến triển bắt đầu từ giai đoạn tiền dậy thì đến trưởng thành về mặt giới tính thông qua sự tương tác và hợp tác của những thay đổi về sinh học, thể chất và tâm lý.

Chế độ ăn cho trẻ dậy thì muộn- Ảnh 1.

Chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ và cân bằng quan trọng cho trẻ dậy thì muộn.

Chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ và cân bằng trong tất cả các giai đoạn tăng trưởng từ khi trẻ sơ sinh, thời thơ ấu và tuổi dậy thì cần thiết cho cả sự tăng trưởng hợp lý và phát triển tuổi dậy thì bình thường.

Dậy thì muộn là một vấn đề sức khỏe mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Bên cạnh các yếu tố di truyền, nội tiết, thì chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của trẻ ở giai đoạn này.

Đa dạng thực phẩm: Nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Cung cấp năng lượng: Trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, cần nhiều năng lượng để xây dựng các mô, cơ bắp và xương.

Cung cấp dưỡng chất thiết yếu: Các vitamin, khoáng chất như canxi, sắt, kẽm... rất cần thiết cho sự phát triển xương, tăng cường hệ miễn dịch và các chức năng khác của cơ thể.

Điều hòa hormone: Một số chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone, từ đó tác động đến quá trình dậy thì.

2. Các chất dinh dưỡng cho trẻ dậy thì muộn

Điều đặc biệt quan trọng là trẻ dậy thì muộn phải được cung cấp đầy đủ:

Canxi và vitamin D: Mỗi ngày trẻ cần 1.000- 1.200mg canxi, canxi rất cần thiết cho sự phát triển xương, răng chắc khỏe và khỏe mạnh, nhờ đó trẻ có thể đạt được chiều cao và mật độ xương đầy đủ. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi.

Protein (Chất đạm): Điều này rất quan trọng cho sự tăng trưởng tổng thể, phát triển và sửa chữa cơ bắp. Hãy ăn các loại protein nạc.

Carbohydrate tốt: Chúng rất quan trọng đối với năng lượng và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Chất béo lành mạnh: Chất béo có vai trò quan trọng khi là nguồn cung cấp năng lượng cao đáp ứng cho sự phát triển nhanh của cơ thể trẻ. Chất béo cũng đóng vai trò trong cấu trúc nên tế bào, màng tế bào thần kinh ở trẻ.

Đồng thời nó cũng làm tăng cảm giác ngon miệng, giúp trẻ hấp thụ tối đa và sử dụng tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Nên kết hợp giữa chất béo động vật và chất béo thực vật.

Sắt: Hỗ trợ quá trình tạo máu. Sắt là một khoáng chất quan trọng được cơ thể chúng ta sử dụng để hình thành các tế bào hồng cầu và cung cấp oxy đi khắp cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này.

Đặc biệt, đối với trẻ gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn trẻ trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Vitamin C: Là một chất chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình lành vết thương và giúp hấp thụ sắt tốt hơn.

Kẽm: Là một khoáng chất vi lượng rất quan trọng đối với sự phát triển tế bào và chức năng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, thiếu kẽm khiến trẻ dậy thì muộn.

3. Thực phẩm trẻ dậy thì muộn nên ăn và nên tránh

Thực phẩm nên ăn (ưu tiên thực phẩm tự nhiên)

Chế độ ăn cho trẻ dậy thì muộn- Ảnh 3.

Nên ưu tiên các thực phẩm tự nhiên cho trẻ dậy thì muộn.

Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua và phô mai cũng như các loại rau lá xanh đậm (cải xoăn, cải chip, cải xoong, rau chân vịt, rau bina)… và các loại hạt (hạt chia, hạt bí ngô, hạt óc chó, hạnh nhân…), các loại hải sản (tôm, cua, cá…) là nguồn cung cấp canxi dồi dào.

Thực phẩm chứa vitamin D: Các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích...), lòng đỏ trứng, nấm (nấm mỡ, nấm hương…)

Thưc phẩm giàu protein: Thịt gà, cá, trứng, các loại hạt, đậu nành và các loại đậu. Thịt cũng là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào, rất quan trọng cho các cô gái đang có kinh nguyệt.

Thực phẩm chứa carbohydrat tốt: Những nguồn tốt có thể được tìm thấy trong bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, mì ống cũng như các loại rau có tinh bột như khoai tây và ngô.

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: Các loại hạt và quả hạch (hạt chia, hạt lanh, hạt óc chó…), cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi…), dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hạt cải, trái bơ…

Thực phẩm giàu sắt: Thịt bò, thịt cừu, gan, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng, các loại đậu, đậu đỗ, hải sản…

Thực phẩm chứa vitamin C: Rau xanh (ớt chuông, cải xoăn, bông cải xanh…) và trái cây tươi (cam, bưởi, ổi, quả mọng, kiwi…) trong bữa ăn để giúp hấp thụ sắt tốt hơn.

Thực phẩm giàu kẽm: Thịt bò, thịt cừu, hải sản (tôm, cua, ốc, hàu), các loại hạt (hạt bí ngô, hạt điều, hạt hướng dương…), các loại đậu (đậu đen, đậu lăng…)

Ngoài ra, trẻ uống đủ nước giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt.

Thực phẩm nên tránh

Chế độ ăn cho trẻ dậy thì muộn- Ảnh 4.

Trẻ dậy thì muộn nên tránh các thực phẩm có chất béo xấu.

Hạn chế ăn các loại chất béo xấu có trong các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ hợp, chiên, xào chứa nhiều chất bão hòa, thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần, đường, muối... góp phần gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến quá trình dậy thì.

Hạn chế đồ đồ uống có gas, đồ ngọt, nước ngọt chứa nhiều đường, caffeine, làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến giấc ngủ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình dậy thì.

Thực phẩm chứa nhiều chất kích thích: Cà phê, trà đặc, sô cô la chứa nhiều caffeine có thể làm tăng nhịp tim, gây mất ngủ và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tăng trưởng.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu dậy thì muộn, cha mẹ cần:

Tư vấn chuyên gia: Nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn phù hợp.

Kiên trì: Việc cải thiện tình trạng dậy thì muộn cần thời gian và sự kiên trì.

Kết hợp với vận động: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và thúc đẩy quá trình dậy thì.

Ăn uống cân bằng, lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh là nền tảng quan trọng để trẻ phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Nguồn: suckhoedoisong