Cách xử lý khi gặp chấn thương thể thao

ngày 11/05/2022

Bác sĩ khuyên rằng, vận động viên gặp chấn thương thể thao nói riêng và người chơi thể thao nói chung thì quá trình điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Vận động viên chơi các môn thể thao sử dụng chi trên nhiều như bóng chuyền, tennis, bơi lội… có nguy cơ cao bị chấn thương vai. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Phương pháp chẩn đoán

Theo ThS.BS Trần Anh Vũ – Trưởng khoa Y học thể thao & Nội soi, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chấn thương thể thao gây ra cảm giác đau đớn hoặc khó chịu ngay lập tức.

Ngược lại, một số loại chấn thương chỉ có thể nhận thấy sau một thời gian dài. Do đó, nếu thường xuyên chơi thể thao, bạn cần kiểm tra sức khỏe xương khớp định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm chấn thương.

Trong quá trình khám, bác sĩ thường áp dụng các bước sau:

Kiểm tra thể chất: Bác sĩ sẽ cố gắng di chuyển khớp hoặc bộ phận bị thương trên cơ thể bạn. Việc làm này giúp họ phán đoán được mức độ chấn thương.

Hỏi tiền sử bệnh: Bạn cần chuẩn bị thông tin cho những câu hỏi như bạn bị thương như thế nào, trong lúc đang làm gì, đã sơ cứu vết thương ra sao, áp dụng phương pháp điều trị nào chưa…

Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, MRI, chụp CT và siêu âm giúp bác sĩ xem xét vết thương rõ nhất, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác.

Cách điều trị chấn thương trong thể thao thế nào?

Quá trình điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Đối với những chấn thương cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp RICE. Đây cũng là những bước sơ cứu chấn thương khi chơi thể thao, thể dục cơ bản mà chúng ta cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đưa vận động viên tới bệnh viện gần nhất:

R – Rest (Nghỉ ngơi): Hạn chế các lực tác động lên vùng bị thương. Điều này đồng nghĩa với bạn cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.

I – Ice (Chườm đá): Nước đá rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng sưng và viêm cũng như giúp giảm đau rất nhiều. Nhiều vận động viên bị chấn thương cấp tính tiết lộ họ không cần dùng thuốc giảm đau mà chỉ chườm lạnh 2 – 3 giờ/lần, mỗi lần 15 – 30 phút trong vòng 72 giờ xảy ra chấn thương.

C – Compress (Băng ép): Băng bó, ép chặt vùng chấn thương giúp hạn chế sưng và trì hoãn việc điều trị bệnh trong thời gian ngắn. Bạn sẽ được quấn một dải băng quanh vùng bị sưng. Nếu cảm thấy đau nhói hay quá chặt, hãy lên tiếng để bác sĩ nới lỏng. Băng ép quá chặt sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chấn thương.

E – Elevate (Nâng cao): Nâng cao phần chi bị thương cũng có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm. Chẳng hạn, nếu bạn bị bong gân mắt cá chân, hãy nằm trên giường rồi gác chân lên gối, sao cho phần bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể. Sau một hoặc hai ngày điều trị theo cách này, những chấn thương ở mức độ nhẹ như bong gân sẽ dần hồi phục.

Sau thời gian chữa bệnh ban đầu bằng phương pháp RICE, bác sĩ sẽ xác định có cần điều trị bổ sung để hồi phục hoàn toàn chấn thương hay không.

Các phương pháp xử lý có thể được áp dụng gồm:

Cố định vết thương bằng nẹp hoặc bó bột.

Thuốc uống giảm đau.

Thuốc tiêm giảm đau, chẳng hạn như tiêm cortisone.

Vật lý trị liệu.

Phẫu thuật.

Phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao

Cách tốt nhất để ngăn ngừa chấn thương khi tập thể dục là khởi động đúng cách để làm ấm cơ. Khi cơ lạnh dễ bị căng quá mức dẫn đến rách, ngược lại, cơ ấm sẽ linh hoạt hơn. Chúng có thể đảm nhận tốt các chuyển động nhanh, uốn cong và dừng đột ngột, giảm tải nguy cơ chấn thương.

Theo ThS.BS Trần Anh Vũ, tuân thủ những hướng dẫn sau giúp bạn phòng tránh chấn thương hiệu quả:

Tạo điều kiện tốt giúp ngăn ngừa chấn thương

Tập luyện ít nhất 3 tuần trước khi thi đấu lần đầu.

Chuẩn bị đầy đủ thiết bị che chở để tránh lạnh hoặc tránh nóng.

Giữ ấm cơ thể.

Cần thay người khi có tổn thương.

Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau chấn thương giúp rút ngắn thời gian hồi phục. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Huấn luyện kỹ lưỡng

Vận động viên cần hiểu rõ và theo sát các luật lệ trong luyện tập và thi đấu.

Tinh thần đồng đội và trách nhiệm cao.

Đảm bảo tuân thủ chỉ dẫn của huấn luyện viên trước, trong và sau trận đấu hoặc khi tập luyện.

Chuẩn bị thiết bị dụng cụ phù hợp

Dụng cụ phải được bảo quản tốt, đảm bảo thay mới kịp thời.

Sân tập cần được bảo dưỡng, chăm sóc tốt.

Chăm sóc y tế tốt

Đội ngũ y tế cần có mặt lúc tập luyện và thi đấu.

Mỗi vận động viên cần có hồ sơ sức khỏe đầy đủ.

Các chấn thương cần được chăm sóc tốt.

Hạn chế sử dụng chung dụng cụ (bảo vệ hoặc tập luyện).

Đảm bảo chích ngừa đầy đủ (sốt bại liệt, sởi, phong đòn gánh, bạch hầu, ho gà, đậu mùa, thương hàn, viêm gan siêu vi).

Chú ý chăm sóc các tổn thương ở da, phòng ngừa bằng cách giữa chân tay khô, tránh mặc quần áo quá bó sát, không mang giày chật, rửa sạch tay và chân bằng xà phòng sau mỗi trận đấu hoặc lúc tập luyện, tránh sử dụng chung khăn. Bạn không nên xem thường các tổn thương da vì có ảnh hưởng lớn tới khả năng thi đấu.

Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh rất hữu ích trong việc điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng cũng có các giới hạn và những bất lợi như không chữa trị được các bệnh nhiễm virus (sởi, cảm lạnh, viêm gan siêu vi…); có thể xuất hiện phản ứng phụ (nổi mẩn, chóng mặt, sốc phản vệ nặng); càng sử dụng nhiều càng có dấu hiệu lờn thuốc; có hại cho vi khuẩn đường ruột (gây rối loạn tiêu hóa); không có một trụ sinh cho tất cả khuẩn trùng; chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cach-xu-ly-khi-gap-chan-thuong-the-thao-ilMedPlnR.html