4 bệnh khi mang bầu có thể gây dị tật thai nhi

ngày 21/07/2023

Cúm, thủy đậu, quai bị, rubella nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi và tử vong cho người mẹ, cần chủ động tiêm vaccine phòng ngừa.

Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng TP HCM, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC nhận định dị tật thai nhi khiến nhiều em bé tử vong khi chào đời hoặc không thể sinh sống khỏe mạnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội năm 2018 thống kê hơn 1.700 ca tử vong sơ sinh do dị tật thai nhi, hơn 40.000 trẻ khác chịu ảnh hưởng suốt đời. Các dị tật thường gặp ở ống thần kinh, tim, hở hàm ếch...

Theo bác sĩ Phong, có nhiều nguyên nhân gây dị tật ở thai nhi như: bất thường di truyền; yếu tố môi trường; người mẹ mắc bệnh truyền nhiễm khi mang bầu... Vì vậy, thai phụ cần tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nên tiêm vaccine phòng các bệnh gây dị tật, trong đó có:

Cúm

Phụ nữ mang thai mắc cúm dễ trở nặng, biến chứng. Tỷ lệ nhập viện của thai phụ mắc cúm cao hơn người bình thường 2,4 lần. Cúm còn có thể gây dị tật cho thai nhi, ví dụ hở hàm ếch, tổn thương đa dị tật, sinh non, trẻ nhẹ cân, tử vong chu sinh. Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong từ 28 tuần tuổi thai đến sau sinh bảy ngày.

Phụ nữ mang thai nên tiêm cúm trong thai kỳ để bảo vệ mẹ và bé. Thời điểm tiêm tốt nhất là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ̣ đã tiêm vaccine cúm sẽ truyền kháng thể cho thai nhi trong bụng và thông qua sữa mẹ sau khi bé chào đời. Nhờ đó, trẻ có miễn dịch với bệnh trong thời gian chờ đủ điều kiện để tiêm vaccine cúm.

Thủy đậu

Thai phụ mắc bệnh thủy đậu có tỷ lệ 10 đến 20% viêm phổi do virus, tỷ lệ tử vong trong số này lên đến 40%.

Bên cạnh đó, thủy đậu ảnh hưởng tới thai nhi theo từng giai đoạn. Nếu mắc trong 3 tháng đầu, thai nhi có 0,4% nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Nếu mắc trong 3 tháng giữa hoặc tuần 13 đến 20 của thai kỳ, thai nhi có 2% nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Thủy đậu bẩm sinh gây sẹo ở da em bé, tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần...

Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa, tỷ lệ tử vong sơ sinh lên đến 25 - 30%.

Phụ nữ nên chủ động phòng thủy đậu trong quá trình mang thai như tránh tiếp xúc người mắc bệnh, giữ gìn vệ sinh thân thể. Nếu có kế hoạch sinh em bé, phụ nữ cần tiêm vaccine ngừa thủy đậu tối thiểu 3 tháng trước khi mang bầu dù đã mắc bệnh hoặc tiêm ngừa thủy đậu khi còn nhỏ.

Quai bị và rubella

90% trường hợp thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virus rubella ảnh hưởng trực tiếp đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, ví dụ đục nhân mắt, đục giác mạc, thông liên thất vách tim, hẹp eo động mạch phổi. Trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.

Virus quai bị có thể gây viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Thai nhi có nguy cơ dị tật cao hơn khi thai phụ bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.

Thai phụ có thể tiêm vaccine phối hợp 3 trong 1 (sởi-quai bị-rubella) để phòng hai bệnh chỉ trong một mũi tiêm. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm phòng 3 tháng trước khi mang bầu. Mũi tiêm kết hợp cũng giúp phòng sởi, tránh các biến chứng của bệnh trên thai phụ gồm sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân...

Nguồn: VnExpress